Có tiêu chí chọn nhân sự phù hợp
Những ngày này, bà Trương Mỹ Phượng, công chức phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cùng hàng chục cán bộ, công chức phường vẫn tất bật với công việc hàng ngày. Khối lượng công việc, hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân trên địa bàn phường rất cao, bà Phượng và đồng nghiệp thường xuyên phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

“Chúng tôi bận rộn từ đầu giờ sáng đến tận 6-7 giờ tối, thi thoảng anh em cũng trao đổi về tình hình sắp xếp bộ máy nhưng rồi lại động viên nhau cứ làm thật tốt công việc hiện tại và luôn nỗ lực hết mình thì tổ chức sẽ ghi nhận, bố trí công việc phù hợp khi sắp xếp đơn vị hành chính mới”, bà Phượng bày tỏ.
Mới đây, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã hiện hành cho đến khi hoàn tất việc tinh giản, cơ cấu lại theo vị trí việc làm, thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực. Nếu đề xuất này được thông qua, các địa phương sẽ có thêm thời gian để sắp xếp đội ngũ. Dù vậy, TPHCM vẫn chủ động rà soát để lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với thực tiễn.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, việc sắp xếp, bố trí cán bộ đang được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ban Tổ chức Thành ủy đã yêu cầu các địa phương tập trung đánh giá cán bộ, công chức để xem xét phương án bố trí nhân sự phù hợp. Ban cũng đang nghiên cứu tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở cấp xã. Trong đó, sẽ căn cứ năng lực, phẩm chất của cán bộ, quá trình công tác, quy hoạch được phê duyệt… để sắp xếp cán bộ với phương châm phải phù hợp yêu cầu của từng địa phương.
Để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức làm việc tại cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM, Sở KH-CN cùng Sở Nội vụ TPHCM vừa tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực trí tuệ (AI) cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. Lớp bồi dưỡng không chỉ phổ cập các công cụ AI hiện đại mà còn khuyến khích áp dụng thực tế vào công việc hàng ngày, nhằm giảm thiểu thời gian xử lý nghiệp vụ, cải thiện quy trình làm việc và phục vụ tốt hơn cho người dân.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp thông tin, TP Thủ Đức đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá cán bộ để lập danh sách, đề xuất xem xét bố trí công tác. Ngoài các tiêu chí của trung ương, TPHCM, TP Thủ Đức còn căn cứ vào các tiêu chí riêng để đánh giá cán bộ. Trong đó, TP Thủ Đức ưu tiên đề xuất bố trí công tác cho cán bộ, công chức có sản phẩm cụ thể, được ghi nhận trong công tác phòng chống dịch Covid-19; trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong phong trào thi đua 500 ngày hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bồi dưỡng chuyên sâu
Theo đề án do Chính phủ trình, ngoài khối lượng công việc hiện nay, cấp xã sẽ đảm nhận thêm 2/3 khối lượng công việc cấp huyện đưa về. Bên cạnh đó, lộ trình tinh giản 5 năm là thời gian không quá dài, vì vậy, theo các chuyên gia, cần nghiêm túc đánh giá và có đề án về công tác cán bộ chặt chẽ. Đặc biệt, ngoài ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thì yêu cầu đặt ra là phải nâng chất, đào tạo chuyên sâu để đội ngũ đảm đương được nhiệm vụ.

ThS Nguyễn Thị Ngọc, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, trong bối cảnh mới, cán bộ, công chức không chỉ cần có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn phải thích ứng nhanh với môi trường làm việc hiện đại, thành thạo công nghệ số và có tư duy đổi mới. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu, giúp đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Trọn, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nêu ý kiến, các chương trình đào tạo cán bộ cần tập trung vào công việc nâng cao kỹ năng lãnh đạo và quản lý hành chính. “Cán bộ, công chức sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn, đồng thời điều hành các nhiệm vụ phức tạp hơn, vì vậy khả năng lãnh đạo và quản lý hiệu quả sẽ là yếu tố quan trọng giúp họ thực hiện nhiệm vụ”, TS Nguyễn Văn Trọn phân tích.
Ngoài chương trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản nhằm giúp cán bộ cấp xã nắm vững kiến thức pháp luật, hành chính, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, còn lưu ý, cần quan tâm đến kỹ năng của đội ngũ này trong điều hành, xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với đó, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu phù hợp với từng lĩnh vực, có sự tham gia của chuyên gia đầu ngành; tăng cường các khóa tập huấn thực tiễn gắn với tình huống cụ thể.
Đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (phát biểu tại phiên họp tình hình, kết quả kinh tế - xã hội quý 1-2025; nhiệm vụ và giải pháp quý 2-2025):
Cơ hội để xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một bước chuyển quan trọng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thành phố phải có tư duy “mở”, tầm nhìn rộng và suy nghĩ kỹ lưỡng về mọi giải pháp, phương án triển khai. Đây cũng là cơ hội để chúng ta chọn lựa, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, nhằm xây dựng một đội ngũ nhân sự chất lượng hơn trước.
Việc tinh giản biên chế không triển khai hàng loạt ngay khi sắp xếp mà sẽ thực hiện từng bước, giảm dần theo lộ trình và các vị trí việc làm cụ thể theo quy định của trung ương, song mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị phải ý thức được trách nhiệm của mình, phải nỗ lực hoàn thành công việc một cách tốt nhất.