Nhật Bản có quyết định cấm tuyệt đối đối với chất acid benzoic có trong tương ớt vì trong ớt có hàm lượng vitamin C rất cao, nên có nguy cơ acid benzoic phản ứng với vitamin C tạo ra benzene gây ung thư, điều này đã được khoa học chứng minh. Có rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, chất bảo quản, chất điều vị, chống ôxy hóa, chất giữ ẩm, tạo bọt… được sử dụng trong việc sản xuất thực phẩm. Trong đó, acid benzoic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng sử dụng với liều lượng bao nhiêu thì từng loại thực phẩm phải có quy định riêng.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân xảy ra hàng loạt chiến dịch giải cứu nông sản như khoai, chuối, thanh long, dưa hấu, mít… thời gian qua là do thị trường xuất khẩu không còn “dễ tính” như xưa. Một số nông sản đã không đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản. Đó là hệ quả của một thời gian dài chúng ta chỉ làm theo thói quen, theo những gì mà mình cảm thấy đúng.
Trong khi các nước phát triển cứ 3 tháng một lần cập nhật, thay đổi về hàm lượng chất bảo quản được sử dụng trong thực phẩm, thì nước ta lại không theo kịp xu hướng đó. Cho nên các tiêu chuẩn của Việt Nam lạc hậu là tất yếu. Chúng ta cứ theo Codex cho phép dùng tối đa bao nhiêu thì cứ áp vào, thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về việc khi chất này kết hợp với chất khác sẽ gây hại như thế nào.
Hạ thấp tiêu chí an toàn thực phẩm không chỉ khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, mà còn làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng trong nước. Thiết nghĩ, khi đã hội nhập cùng quốc tế, chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét, nghiên cứu một cách khoa học khi cho phép sử dụng các loại phụ gia, hóa chất trong thực phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước.