Chỉ tay về quốc lộ (QL) 19 to đùng, xẻ ngang vùng lũ vẫn dang dở, bà Nguyễn Thị Phước (55 tuổi, thôn Quảng Vân), người dân có 2 sào ruộng lúa bị sa bồi, thủy phá, cho biết: “Trước kia vùng ruộng của 2 thôn Quảng Vân, Phổ Trạch (xã Phước Thuận) trồng lúa rất tốt, năm nào cũng được mùa. Nhưng từ năm 2016 đến nay, lũ hoành hành dữ dội phải nhờ bộ đội giúp đắp đê tạm ngăn lũ, nhưng không được đành bỏ ruộng”. Ông Lê Công Minh (65 tuổi, thôn Quảng Vân) bức xúc: Không chỉ ruộng đồng mà các công trình giao thông cũng bị lũ cuốn phá. Sự thật là 3 năm rồi chúng tôi và các thôn khác đều rất bức xúc vì QL19 làm quá cao, chưa tính toán đến dòng chảy của lũ, vô tình đã làm tăng sức lũ tàn phá. Theo ông Minh, khi trước lũ tràn về đổ sang xóm Chợ Mới (xã Phước Sơn, Tuy Phước) rồi từ từ rải đều khắp cả đồng theo quy luật. Dòng chảy bị chia cản nên êm hơn, ruộng đồng nằm dưới không bị hư hỏng gì. Bây giờ bị cản bởi QL19, lũ bị ép, tức nước đổ ào về đây gây sa bồi, thủy phá nặng. UBND xã Phước Thuận cho biết có trên 5,1ha đất sản xuất nông nghiệp của 115 người dân ở 2 thôn Quảng Vân, Phổ Trạch bị sa bồi, thủy phá không thể khắc phục. Từ năm 2016, địa phương xin kinh phí trên 500 triệu đồng để khắc phục cho người dân, nhưng chỉ ứng phó tạm thời. Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Dự án QL19 do UBND tỉnh phê duyệt, nguồn ngân sách Trung ương. Hiện huyện cũng đã xin ý kiến của tỉnh để xin cơ chế trước mắt sẽ hỗ trợ cho bà con có đất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá, không sản xuất được. Còn về lâu dài phải tìm phương án hoặc sẽ thu hồi để hoán đổi lại diện tích sản xuất khác lại cho người dân”.
Dự án QL19, có chiều dài 17,8km, khởi công từ cuối năm 2012, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 5.279 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, Tập đoàn Phúc Lộc (Bình Định) được chỉ định là nhà thầu thi công. Theo ghi nhận, đến nay dự án vẫn ngổn ngang trì hoãn gây bụi bặm, không thấy bóng dáng đơn vị thi công.