Tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 2) và các nhà thầu thi công báo cáo cụ thể tiến độ, vướng mắc tại dự án. Một đại diện nhà thầu thi công báo cáo, dự án qua huyện Tây Sơn (Bình Định) đến đèo An Khê (giáp Gia Lai) dài 17km. Từ Km50-52 đã được thi công thảm nhựa; Km52-60 cơ bản thảm xong nhựa, còn 1 số vị trí vẫn đang thỏa thuận với người dân.
Theo đại diện nhà thầu thi công, quá trình thi công mặt đường bằng giải pháp lu rung khiến nhiều nhà dân ven tuyến đoạn qua huyện Tây Sơn bị ảnh hưởng, nứt nền, nứt tường. Nhà thầu đã mời đơn vị giám định và bảo hiểm, tuần tới sẽ triển khai chi trả bồi thường cho các hộ dân. Ngoài ra, tại Km61-67 đang vướng đường điện và 1 số điểm trên đèo, do mưa nên gặp khó.
Một đại diện gói thầu khác báo cáo tiếp, tại vị trí qua cầu Bàu Sen (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đang bị ách tắc, chưa thể thảm nhựa lớp 2 do người dân đang ngăn cản. Người dân ý kiến, nền đường nâng lên quá cao khiến nhà dân bị thấp hơn mặt đường, bí bách và đi lại khó khăn. Hiện, tại đoạn qua cầu Bàu Sen đang ách khoảng 2km đường chưa thể thi công.
Ngoài ra, theo các nhà thầu thi công, căng thẳng nhất là tại khu vực cầu Ba La (đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), người dân không cho thi công, yêu cầu bồi thường quyền lợi trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, về ách tắc trong thi công ở khu vực cầu Bàu Sen, đến nay nhà thầu mới nêu lên chứ không có báo cáo cho huyện để tháo gỡ. Ngoài ra, phía các đơn vị thi công không gửi kế hoạch thi công cho địa phương nắm, gây nhiều khó khăn trong công tác phối hợp.
Cũng theo ông Khánh, tại đoạn qua xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đang có 100 hộ dân bị ảnh hưởng nứt nền và tường nhà. Tuy nhiên, do trước đây nhà thầu thi công hứa với người dân sẽ bồi thường thiệt hại xong mới thi công tiếp. Vì vậy, các hộ dân căn cứ lời hứa của đơn vị thi công, liên tục cản trở, đòi quyền lợi.
Sau khi nghe các bên báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, công tác phối hợp thời gian qua giữa đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công và địa phương chưa tốt. Các đơn vị thi công không thông tin về kế hoạch thi công, phương án thi công cho UBND huyện Tây Sơn nắm bắt, phối hợp là bất cập. Ngoài ra, khi gặp vướng mắc thì nhà thầu cũng không báo cáo kịp thời cho địa phương. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị cần xem lại năng lực các đơn vị thi công?
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, công tác GPMB, hỗ trợ đền bù cho người dân bị ảnh hưởng từ dự án đoạn qua huyện Tây Sơn thuộc thẩm quyền của địa phương. Hiện, dự án vẫn còn tiền nên đề nghị phía tỉnh cần xem xét hỗ trợ người dân tối thiểu là bằng hoặc tốt hơn để người dân yên tâm di dời hoặc nhường đất ủng hộ gỡ vướng cho dự án.
Về cao độ nền đường, Thứ trưởng yêu cầu địa phương cùng các đơn vị liên quan xem xét đề xuất phương án tốt nhất về đường gom, vuốt trục nối để người dân đi lại an toàn, thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đại diện chủ đầu tư cần phải củng cố lại ban điều hành nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát để phối hợp chặt chẽ hơn, tập trung nhân lực, phương tiện làm dứt điểm từng vị trí.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, quá trình thực hiện công tác GPMB dự án, phía UBND huyện Tây Sơn còn thiếu quyết đoán, chậm trễ, chưa làm tốt trách nhiệm.
Qua đó, ông đề nghị UBND huyện Tây Sơn trong ngày 12-1 phải rà soát lại tất cả các hộ dân, trường hợp đang vướng mắc cần phân ra thành nhóm cụ thể để giải quyết theo từng cấp độ. Sau đó, làm biên bản gửi Sở TN-MT để UBND tỉnh quyết định, chốt sớm.
"Tinh thần làm đúng luật, nhưng thuận lòng dân. Tôi đề nghị từ nay đến Tết Nguyên đán làm sao phải kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và công bố giá chi trả tiền cho người dân yên tâm đón tết, để bà con đồng thuận, chấp nhận nhường đất, tháo gỡ ách tắc dự án...”, ông Hoàng nhấn mạnh.