Phương tiện tăng, mặt đường không tăng
Tính đến năm 2024, TPHCM đang quản lý 9.506.751 phương tiện. Trong đó, có 1.014.856 ô tô và 8.491.895 mô tô. Xe buýt có 137 tuyến với 2.202 phương tiện. Taxi có 13.264 phương tiện, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác. Trong đó, xe cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, đóng góp chính vào áp lực giao thông.
So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện tăng 3,1%, vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống đường bộ hiện tại. Trong khi đó, mật độ đường giao thông ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 2,44km/km², thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13km/km², khiến nhiều đường trở nên quá tải.
Mật độ xe ô tô trung bình trên các tuyến đường của TPHCM đạt 236 xe/km đường (gấp đôi mức trung bình ở Hà Nội). Tại các khu vực trung tâm như quận 1, quận 3 và TP Thủ Đức, mật độ có thể lên đến 300-400 xe/km đường trong giờ cao điểm. Đặc biệt, các tuyến đường lớn như Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, 3 Tháng 2, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tất Thành... thường xuyên trong tình trạng quá tải vào các khung giờ cao điểm (6 giờ 30 - 9 giờ và 16 giờ 30 - 19 giờ).
Theo Sở GTVT TPHCM, đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 42 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Qua thực hiện các giải pháp tổ chức giao thông, đến nay có 6 điểm chuyển biến tốt, không phát sinh thêm điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Những ngày vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã lắp đặt thêm 131 đèn báo xe máy được rẽ phải tại các giao lộ, những “điểm nóng” thường xuyên xảy ra kẹt xe. Ở những giao lộ đã lắp đặt đèn báo, tình trạng xe cộ ùn tắc bước đầu đã được cải thiện. Điều làm nhiều người dân băn khoăn hiện nay là số lượng giao lộ rất lớn nhưng điểm được lắp đặt biển báo mới lại quá ít.
Anh Nguyễn Văn Phúc (nhân viên giao hàng) nêu ý kiến, ở TPHCM có nhiều giao lộ nhưng nơi được rẽ phải quá ít. Hơn nữa, việc lắp đặt biển báo cũng chưa hợp lý, nơi nhiều xe thì không đặt, còn chỗ ít xe lại có. Anh Phúc nêu ví dụ: “Ngã rẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) có lượng xe phương tiện lưu thông đông lại không đặt biển báo rẽ. Bên đường Điện Biên Phủ có điểm ít phương tiện hơn lại có”.
Ứng dụng công nghệ giám sát và điều hành giao thông
Tại cuộc họp về tình hình giao thông trên địa bàn TPHCM, công tác phục vụ Tết Nguyên đán ở các “điểm nóng” giao thông vào ngày 13-1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, những ngày tới, giao thông tại TPHCM phức tạp hơn do bước vào cao điểm phục vụ đi lại dịp Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng loạt các giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực trung tâm, quanh các đầu mối giao thông lớn như sân bay, bến xe... Khi phát sinh ùn ứ, các lực lượng cần phương án xử lý nhanh, không để xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Theo ThS Phạm Ngọc Công, chuyên gia về giao thông, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nếu tốc độ tăng trưởng xe ô tô duy trì ở mức hiện tại (5%-7%/năm), đến năm 2030, TPHCM cần thêm khoảng 5.000-7.000km đường giao thông mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, việc mở rộng này sẽ gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế và chi phí đầu tư lớn. Do vậy, việc giảm lưu lượng ô tô tại khu vực nội đô là cần thiết. Thời gian tới, TPHCM cần triển khai thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, kiểm soát đăng ký xe cá nhân và phát triển mạnh xe công cộng.
Để hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm thông tin, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phần mềm và đề xuất đầu tư các dự án trang thiết bị hiện đại xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) phục vụ công tác giám sát và điều hành hiệu quả giao thông đô thị.
Trong đó, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu (Data Center) ngành giao thông vận tải. Đồng thời, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông kết hợp sử dụng các cảm biến đo đếm lưu lượng sử dụng công nghệ mới để điều khiển tập trung tại Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ theo thời gian thực tại các khu vực, trục đường chính, nút giao thông quan trọng.
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh việc cập nhật dữ liệu mới vào mô hình dự báo giao thông; hoàn thành số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực giao thông đường bộ, liên thông, tích hợp với kho dữ liệu dùng chung của thành phố.
Sở GTVT TPHCM sẽ tập trung công tác quản lý, khai thác đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy hiện hữu; xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực phản ứng nhanh với sự cố giao thông của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để tiếp tục khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông; đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới hệ thống giám sát điều khiển giao thông phục vụ công tác quản lý và điều hành giao thông đô thị.