Những ngày này, khi tuyến ĐT 819 được UBND tỉnh Long An cho nâng cấp, sửa chữa, người dân địa phương ai nấy đều phấn khởi, hồ hởi. Bà Nguyễn Thị Xuân, ở thị trấn Tân Hưng, chia sẻ: “Vậy là bà con sắp thoát được cảnh nắng bụi mưa lầy với tuyến đường này. Mong chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng để con đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chúng tôi đang mong ngóng từng ngày để được đi trên tuyến đường mới phẳng phiu”. Vui mừng vì sắp có con đường trải nhựa đi lại thuận lợi cho bà con, nhưng ông Đỗ Văn Tài, một người dân sống ở xã Hưng Thạnh, nhớ lại: “Bao nhiêu năm sống ở đây là bấy nhiêu năm chịu khổ. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng thì bụi bay mịt mù, bám đỏ cả nhà cửa; mưa thì lầy lội. Tội nhất là mấy đứa nhỏ đi học hàng ngày, liên tục bị té ngã, lấm lem bùn sình. Đó là chưa kể thảm cảnh cho người lưu thông trên tuyến này, những cơn mưa bụi bùng lên khi ô tô, xe tải, xe ben chạy vụt qua, khiến người đi xe máy, xe đạp phải tối mặt tối mũi vì bụi. Nguy hiểm hơn là do bụi phủ trắng đường, nên xe trước xe sau, xe chạy ngược chiều không nhìn thấy nhau, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Nay thật phấn khởi vì con đường được sửa chữa, nâng cấp”.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết, công trình ĐT 819 qua địa bàn huyện Tân Hưng do Sở GTVT làm chủ đầu tư với quy mô: đoạn tuyến chính từ điểm đầu tại mố B cầu Huyện Đội đến điểm cuối giao với ĐT 820 (đường tuần tra biên giới) và tuyến nhánh đường cặp kênh T3; mặt đường tráng nhựa. Đoạn tuyến chính ĐT 819 thiết kế theo quy mô đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 9m; đoạn qua khu dân cư mặt đường rộng 9m. Riêng đoạn qua địa bàn xã Hưng Điền B đã được Sở NN-PTNT Long An đầu tư vào năm 2020 (mặt đường trải nhựa rộng 6m) thì giữ nguyên hiện trạng, do đoạn tuyến này đang khai thác tốt. Còn đoạn tuyến nhánh cặp kênh T3 thiết kế theo quy mô đường cấp VI đồng bằng, mặt đường rộng 3,5m, nền đường rộng 6,5m; xây dựng cầu Cái Bát mới tại Km51+706 bằng bê tông cốt thép.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 220 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trên 188 tỷ đồng, phần còn lại là vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025.