Trong năm 2018, trung tâm đã gửi cảnh báo và báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, app, các link vi phạm quyền tác giả; đã xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm. Có hơn 71,579 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc được VCPMC - chi nhánh phía Nam thu về, tăng 10% so với năm 2017.
Vi phạm bản quyền tràn lan
16 năm đồng hành cùng các nhạc sĩ, tác giả, VCPMC - chi nhánh phía Nam luôn tích cực phát huy chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn, trợ giúp nhiều nhạc sĩ tìm lại được quyền lợi, sự công bằng. Công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả được thực hiện đúng pháp luật, từng bước tạo được sự tin tưởng với các tác giả âm nhạc.
Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị nghiêm túc thực hiện quyền tác giả, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ này. Nhiều đơn vị không thực hiện hoặc đối phó, chờ nếu có kiểm tra, xử phạt mới thực hiện, hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền. Bên cạnh đó thì một số tác giả chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ, cũng như khai thác quyền tài sản đối với các sản phẩm của mình. Thậm chí, có những trường hợp, tác giả tuy đã chính thức ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khai thác quyền tác giả nhưng lại vẫn tiếp tục ký với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác.
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan trong suốt thời gian qua ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Đã có hàng trăm chương trình biểu diễn né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng bản quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Berne.
Đặc biệt, trong năm qua còn có những vụ việc nổi trội về vi phạm bản quyền của đơn vị Sky Music, Vigo… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tác giả, quấy rối hoạt động VCPMC, cũng như công tác phối hợp thực thi bảo hộ quyền tác giả giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Con số trên 2.000 trường hợp vi phạm mà VCPMC đã xử lý cho thấy đây là động thái mạnh tay của VCPMC đối với các đơn vị đã và đang có hành vi vi phạm quyền tác giả. Nhất là, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và hoạt động mua bán ào ạt, bát nháo các tác phẩm, ca khúc âm nhạc trên thị trường hiện nay, VCPMC sẽ càng phải nỗ lực, ráo riết hơn nữa trong công việc của mình.
Nâng cấp công tác chuyên môn
Năm 2019, VCPMC sẽ triển khai chi trả tiền tác quyền qua ngân hàng định kỳ hàng quý, nhanh chóng áp dụng công nghệ để kiện toàn quy trình làm việc, nhập liệu, thống kê, sao lưu…
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam, cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin rất tốt cùng các phần mềm công nghệ mới, hiện đại, nên khi phát hiện vi phạm là chúng tôi nhanh chóng chuyển qua phòng pháp chế (gồm 5 luật sư chuyên nghiệp thực hiện văn bản dựa trên luật pháp) để cảnh cáo, xử lý ngay. Năm rồi, chúng tôi đã yêu cầu YouTube gỡ trên 2.000 link vi phạm. Chúng tôi cũng cảnh báo đây là tài sản riêng, không được xài “chùa” như vậy. YouTube, Facebook vừa ký kết xong hợp đồng với trung tâm. Năm 2019, chúng tôi mong rằng ý thức thực thi pháp luật của các doanh nghiệp sử dụng tác phẩm âm nhạc cao hơn, để trả lại quyền, tài sản tác giả, để tác giả được tôn trọng, có được cuộc sống tốt hơn, giúp họ tập trung tái tạo sức sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, giá trị phục vụ cho xã hội. Hơn thế nữa, 14-1 này, Hiệp định thương mại CPTPP đã có hiệu lực, như vậy Việt Nam phải tuân thủ cuộc chơi này, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, các doanh nghiệp tham gia “sân chơi” phải tuân thủ đúng luật, Luật Sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Bản quyền tác giả âm nhạc nói riêng”.
Trong năm 2019, VCPMC sẽ chú trọng công tác cấp phép, mở rộng địa bàn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các tỉnh thành, quận huyện; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên; quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc, phát triển hội viên; giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp luật. Đặc biệt, trung tâm sẽ hoàn tất website mới của VCPMC nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, thuận lợi trong kết nối tác giả thành viên cũng như tạo điều kiện để người sử dụng nhạc có thêm thông tin và tra cứu…
Đến nay VCPMC đã ký hợp đồng ủy quyền với hơn 3.900 thành viên là tác giả/chủ sở hữu trên cả nước, riêng chi nhánh phía Nam có đến 2.610 tác giả (tăng 137 tác giả so với năm 2017) |