Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn

Sự cố về điện luôn chiếm tỷ lệ lớn trong các nguyên nhân cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. 
Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn TP xảy ra 775 vụ cháy. Nguyên nhân phổ biến nhất là do sự cố từ hệ thống, thiết bị điện. Trong số đó, có không ít vụ cháy để lại hậu quả rất đau lòng về người và của.

Điều đáng nói, dù nguy cơ dẫn đến các vụ hỏa hoạn đã được cảnh báo bằng nhiều hình thức khác nhau, song người dân còn rất chủ quan khi sử dụng thiết bị điện. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trên địa bàn TPHCM, hàng năm bình quân có gần 50% số vụ cháy nổ từ bên trong hộ gia đình; trong đó, phần lớn nguyên nhân từ tập quán sinh hoạt còn nhiều bất cẩn và các sai sót trong quá trình sử dụng điện của người dân, đặc biệt tại các khu dân cư cũ. 

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, ngay từ tháng 12-2016, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã lập kế hoạch với nhiều giải pháp toàn diện về công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ do sử dụng điện trong nhân dân trên toàn địa bàn TP.

Theo khuyến cáo của Tổng công ty Điện lực TPHCM, muốn đẩy lùi nguy cơ này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng trong tuyên truyền, kiểm tra, tăng cường giải pháp về kỹ thuật thì chính người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, sử dụng điện an toàn. Theo đó, khi sử dụng cầu dao tự động (MCB) cho hệ thống điện gia đình, nên sử dụng MCB nhánh cho riêng mỗi tầng nhà, từng khu vực. Tính toán, lựa chọn MCB sao cho thích hợp với dòng điện tải và có độ tin cậy cao. Không dùng dây điện trần (không vỏ) để dẫn điện. Không để thiết bị dùng điện, dây điện quá gần các đồ dùng dễ cháy như xốp, thùng carton, giấy... Không đi dây dẫn điện trên mái tôn, tránh quá trình cọ xát làm đứt dây, gây hiện tượng chập mạch dẫn đến cháy. Nên luồn dây điện trong những ống nhựa chuyên dụng có khả năng chống cháy cao. Không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Tính toán, lựa chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với công suất của thiết bị điện để dây dẫn không bị quá tải, dễ gây cháy… Không dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao. Đối với trường hợp ổ cắm không chặt với phích cắm thường phát sinh tia lửa điện khi sử dụng, cần kiểm tra và khắc phục ngay tình trạng này trước khi sử dụng.

Những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Đường dây dẫn điện, cầu chì, cầu dao không để bị gỉ (vì nơi gỉ sẽ phát ra nhiệt lớn). Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu cũng dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay dây mới.

Đặc biệt, trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt… Ngắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết. 

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, gọi Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa ngắt điện.

Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc trang bị kiến thức an toàn khi sử dụng điện của chính người dân mới là giải pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cháy nổ xảy ra.

Tin cùng chuyên mục