PHÓNG VIÊN: Sau Tết Nguyên đán 2024, lại xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số tuyến cao tốc, khiến dư luận hết sức lo ngại về chất lượng, mức độ an toàn của đường cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã đưa vào khai thác thêm 730km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Với gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025 cả nước sẽ có 3.000km và năm 2030 trên 5.000km đường cao tốc. Việc nhiều dự án đường cao tốc đi vào khai thác đã hình thành thêm nhiều trục giao thông huyết mạch và cải thiện rõ nét hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và cả nước.
Bộ GTVT đã nhiều lần giải thích về lý do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên phải đầu tư phân kỳ một số tuyến cao tốc. Tuy vậy, các tuyến này vẫn phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, được tổ chức giao thông phù hợp với giai đoạn phân kỳ. Qua xem xét các vụ tai nạn vừa xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chúng tôi đánh giá điều kiện kết cấu hạ tầng cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn giao thông, chất lượng mặt đường tốt, hệ thống báo hiệu, những yêu cầu về phản quang cho ban đêm đều đủ.
Nếu loại trừ nguyên nhân do kết cấu hạ tầng chưa đạt chuẩn, vậy còn những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng gia tăng số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, thưa ông?
* Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là, đường bộ nói chung và các tuyến cao tốc luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Với các vụ xảy ra gần đây trên đường cao tốc, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân trực tiếp là do ý thức người lái xe và kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, điển hình là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18-2; vụ tai nạn khiến 2 người chết, 9 người bị thương ngày 10-3 trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn...
Tôi muốn phân tích rõ hơn vụ tai nạn xảy ra ngày 10-3 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Về nguyên tắc, người lái xe có trách nhiệm điều khiển phương tiện vào làn dừng khẩn cấp, sau đó bật đèn khẩn cấp và có cảnh báo đối với những phương tiện trên tuyến. Nhưng tại hiện trường, chiếc xe tải khi bị nổ lốp đã dừng ở trên làn đường lưu thông và không có cảnh báo cần thiết. Đối với xe khách, tài xế đã không tập trung chú ý quan sát và không kịp xử lý tình huống. Nếu giữ đúng khoảng cách an toàn, đúng tốc độ, người lái xe sẽ kịp phanh khi có sự cố và sẽ khó xảy ra tai nạn như vậy.
Vậy theo ông, cần làm gì để nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông?
* Năm An toàn giao thông 2024 đang được Ủy ban ATGT quốc gia triển khai với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông. Việt Nam đang dần có một mạng lưới cao tốc hoàn chỉnh, vậy thì chúng ta cũng cần xây dựng được văn hóa giao thông trên đường cao tốc. Các tài xế cần hiểu và tuân thủ những quy tắc lưu thông trên hệ thống giao thông hiện đại này, ví dụ như tôn trọng làn vượt và làn khẩn cấp, tôn trọng tốc độ theo làn và nguyên tắc nhập làn... Chúng ta cần phải tiếp tục thay đổi phương thức đào tạo, sát hạch... chú trọng hơn những kỹ năng lưu thông trên đường cao tốc. Hiện một số quốc gia có yêu cầu riêng, khắt khe hơn đối với lái xe kinh doanh vận tải, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư hệ thống giám sát phát hiện vi phạm tự động để phạt nguội; các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về các giải pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc. Hiện việc triển khai các chỉ đạo này đang được thực hiện ra sao, thưa ông?
* Tất nhiên khi liên tiếp xảy ra tai nạn trên cùng 1 đoạn tuyến thì chúng ta phải xem xét lại yếu tố hạ tầng. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, khắc phục ngay những bất cập về hạ tầng tại các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn. Trong khi chờ nâng cấp, mở rộng những tuyến cao tốc 2 làn xe, việc có thể làm ngay là điều chỉnh lại tổ chức giao thông, biển báo. Chẳng hạn, trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, việc điều chỉnh hệ thống an toàn giao thông như vạch sơn, gắn phản quang, bổ sung biển báo… đã được triển khai, sẽ hoàn thành trong tháng 3. Tôi đã đề nghị đơn vị quản lý đường bộ báo cáo Bộ GTVT, đề nghị Bộ TT-TT làm việc với các nhà mạng để trên tất cả các tuyến đường cao tốc có hạ tầng thông tin đầy đủ phục vụ người dân và công tác cứu hộ cứu nạn.
Đầu tư hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến cao tốc
Bộ GTVT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc.
Trong giai đoạn 2023-2025, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đầu tư hệ thống giao thông thông minh các tuyến cao tốc đã và đang đầu tư. Giai đoạn 2025-2030, Bộ GTVT sẽ xây dựng và vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia đối với hệ thống đường cao tốc. Sau năm 2030, các trung tâm hệ thống giao thông thông minh tuyến địa phương sẽ kết nối trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia và vận hành phạm vi toàn quốc.