Cuộc tranh luận này vẫn đang tiếp diễn nhưng điều quan trọng hơn cần phải đề cập là bài học được rút ra sau vụ tai nạn này.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội khẳng định, việc xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc là hoàn toàn đúng thẩm quyền, thuộc một trong các trường hợp được quyền ưu tiên, được quy định tại Điều 22, Luật Giao thông đường bộ.
Xe cứu hộ chạy vào đường ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi đã bật đầy đủ tín hiệu đèn, còi, liên tục dùng loa nhắc nhở người tham gia giao thông nhường đường theo đúng quy định.
Thiếu úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội Cảnh sát PCCC số 12 cũng cho biết, đội đã nhiều lần cứu hộ, cứu nạn trên cao tốc và đây không phải là lần đầu tiên xe phải chạy ngược chiều để tiếp cận hiện trường tai nạn.
Về phía xe khách, chiếc xe này cũng đang chạy trên cao tốc đúng làn đường, đúng phạm vi tốc độ cho phép.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), trong tình huống này tai nạn xảy ra là rất khó tránh khỏi và lỗi thuộc về cả hai phía. Luật Giao thông đường bộ cho phép xe ưu tiên được đi ngược chiều, tuy nhiên, người điều khiển phương tiện phải quan sát để lái xe đảm bảo an toàn giao thông, nhất là khi xe đi từ đường nhánh ra, chứ không phải được ưu tiên “thích chạy kiểu gì thì chạy”.
Theo phân tích của các chuyên gia giao thông, trong tình huống cụ thể này, chiếc xe khách đã không đủ thời gian để xử lý khi đang lưu thông tốc độ 87km/giờ và khoảng cách đến chiếc xe cứu hộ bất ngờ xuất hiện chỉ khoảng 60m và nhất là trong tình trạng thời tiết xấu, đường trơn, trời mưa làm hạn chế tầm nhìn.
Từ vụ tai nạn xảy ra, có thể thấy, dù phương tiện có mục đích gì cũng phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là an toàn. Không thể vì mục đích cứu hộ nhanh mà chấp nhận nguy cơ mất an toàn quá cao, có thể dẫn đến tai nạn giao thông thảm khốc. Ngành công an cần có giải pháp để nâng cao nhận thức chấp hành luật, văn hóa tham gia giao thông của người dân và từ chính lực lượng chức năng khi các tình huống bất ngờ xảy ra.
Ở các nước phát triển, các phương tiện rất có ý thức chủ động nhường đường cho xe ưu tiên, tuy nhiên, các tài xế của xe ưu tiên vẫn cần phải quan sát để không xảy ra tai nạn. Trong khi ở Việt Nam, các phương tiện không chịu nhường đường, còn các tài xế thì len lỏi phóng nhanh, vượt ẩu một cách rất nguy hiểm.
Để hạn chế những vụ tai nạn tương tự, các chuyên gia giao thông cho rằng, luật quy định cho xe ưu tiên đi ngược chiều trên đường nói chung, tuy nhiên, với đường cao tốc, loại đường đặc thù có tốc độ rất cao, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, bổ sung những quy định chặt chẽ hơn, ví dụ, chỉ được đi ngược chiều ở làn đường khẩn cấp.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp cảnh báo cho phương tiện từ xa. Việc cảnh báo từ xa có thể thực hiện được nếu cao tốc được trang bị hệ thống giao thông thông minh. Với hệ thống này, các bảng thông tin điện tử lắp hai bên đường sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện của tuyến đường, thông tin thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường, hỗ trợ tài xế làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố, thời tiết xấu, sắp có đường rẽ vào cao tốc.