° PHÓNG VIÊN: Mặc dù tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng số vụ tai nạn giao thông vẫn xảy ra cả ngàn vụ và ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Ông lý giải điều này như thế nào?
° Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2018, các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm trên cả 3 mặt.
Cụ thể, toàn thành phố đã xảy ra tổng cộng 1.776 vụ tai nạn giao thông, bao gồm cả va chạm giao thông. Các vụ tai nạn này làm 324 người chết, 1.213 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2017, tai nạn giao thông đã giảm 42 vụ, giảm 13 người chết và giảm 225 người bị thương. Trong khi đó, tình hình ùn tắc giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố và các cửa ngõ ra vào thành phố.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân đáng kể đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành.
Cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy vừa hoàn thành giúp giao thông khu vực cảng Cát Lái tốt hơn. Ảnh: CAO THĂNG
Theo chúng tôi ghi nhận được, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhân mạng nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân lái xe cơ giới lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ…
Hơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn xảy ra nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra.
° Theo ông, những giải pháp nhằm đảm bảo ATGT nào đã được thành phố triển khai tốt trong thời gian qua?
° Chúng tôi ghi nhận đã có nhiều biện pháp được ngành chức năng thành phố triển khai thực hiện khá hiệu quả để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Chẳng hạn để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, thời gian qua thành phố đã cải tạo, bố trí đảo dừng tạm an toàn cho khách bộ hành trên các tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, lắp đặt thanh chắn ngăn xe 2 bánh chạy trên vỉa hè ở một số tuyến đường.
Thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối các chốt đèn tín hiệu giao thông để điều khiển tại trung tâm; lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình GPS trên toàn bộ xe buýt; đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát tải trọng xe tự động trong đô thị; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin giao thông điện tử, qua đó cung cấp thông tin giao thông trực tuyến để người tham gia giao thông có thể chủ động lựa chọn lộ trình hợp lý, tránh đi qua khu vực đang xảy ra ùn tắc giao thông.
Thành phố cũng đã tập trung phối hợp các lực lượng trên địa bàn để lập lại trật tự đô thị tại khu vực trung tâm thành phố; thực hiện phương án đảm bảo trật tự ATGT khu vực trọng điểm nên đã hạn chế tình trạng phức tạp tại trung tâm thành phố.
° Như ông vừa nói, có đến hơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông. Vậy cần làm gì để chuyển biến điều này?
° Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải luôn được thành phố xác định là nhiệm vụ và cũng là giải pháp đứng hàng trọng yếu.
Chúng tôi cho rằng, để chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải của người dân, cần có sự tham gia đồng loạt của nhiều đơn vị chức năng chứ không riêng gì Ban ATGT thành phố.
Lực lượng đó sẽ bao gồm các ban ATGT quận huyện, Thành đoàn TPHCM, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông…
Về nguyên tắc, tùy theo đặc thù chức năng của từng đơn vị sẽ có các phần việc cụ thể cho từng bộ phận. Chẳng hạn Ban ATGT thành phố và ban ATGT các quận huyện sẽ đảm trách xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT bám sát chủ đề “Năm ATGT 2018”; xây dựng chuyên đề ATGT cho người đi mô tô, xe đạp điện và các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường tuyên truyền, vận động cơ sở, phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh phường xã, thị trấn.
Đưa nội dung phổ biến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT thành tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo đục pháp luật về ATGT, trọng tâm là các hoạt động gắn với chủ đề của “Năm ATGT 2018”.
Trong khi đó, Thành đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm trách việc triển khai tuyên truyền tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh nhằm tạo sự tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của các em trong việc tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.
Ban ATGT thành phố cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam TPHCM và các đoàn thể phát huy chức năng vận động xã hội, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong hệ thống đoàn viên, hội viên và khu dân cư ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.