Toàn bộ 17 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đều thành lập đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) chuyên ngành. Tất cả đơn vị thường xuyên phối hợp thực tập cùng lực lượng PCCC cơ sở thuộc doanh nghiệp và lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
Do đó, khi phát sinh sự cố cháy nổ tại doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, hoặc có lệnh huy động hỗ trợ chữa cháy địa bàn bên ngoài, các đội PCCC đóng tại khu chế xuất, khu công nghiệp đều triển khai lực lượng và phương tiện tiếp ứng kịp thời.
Nhờ vậy, lực lượng đã khống chế nhanh gọn không ít sự cố; loại trừ nguy cơ cháy lan, cháy lớn. Đồng thời chính quyền thành phố hết sức quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn về PCCC. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lực lượng PCCC đóng trên 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, phổ biến kiến thức, pháp luật PCCC tại gần 900 lượt doanh nghiệp, thu hút khoảng 95.000 lượt người tham gia…
Có Cảnh sát PCCC và ban quản lý nhắc nhở thường xuyên nên đa số doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC. Không ít doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư, trang bị phương tiện PCCC.
Mặc dù vậy, PCCC ở khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều người. Nhiều năm qua, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM nhìn nhận lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến an toàn PCCC.
Họ chưa quyết tâm xây dựng lực lượng và phương án PCCC toàn khu. Ngoại trừ Khu chế xuất Tân Thuận, những khu chế xuất - khu công nghiệp khác đều nêu lý do khó khăn về tài chính, không thực hiện tổ chức đội PCCC theo chế độ chuyên trách. Đội viên đội PCCC chủ yếu lấy đội ngũ bảo vệ làm nòng cốt, có bổ sung thêm nhân sự từ bộ phận khác theo chế độ bán chuyên trách, kiêm nhiệm.
Không ít doanh nghiệp sản xuất thờ ơ với công tác an toàn PCCC khi bảo quản, sắp xếp hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không theo quy tắc, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Đơn cử, giai đoạn 2014-2018, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử phạt 1.241 lượt doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Những doanh nghiệp nói trên đóng hơn 3,1 tỷ đồng tiền phạt.
Làm tốt công tác an toàn PCCC chính là một trong những cách làm thể hiện chủ doanh nghiệp đối đãi tốt với người lao động, bảo vệ tốt cơ nghiệp. Mong rằng, những người đứng đầu nhà máy, công ty tăng cường trách nhiệm, đôn đốc, sâu sát với hoạt động phòng chống cháy nổ.
Cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn đối với cá nhân, tổ chức lơ là, không chấp hành quy định pháp luật về PCCC. Trong đó, việc “điểm mặt, chỉ tên” lãnh đạo doanh nghiệp thờ ơ trước tài sản, tính mạng người lao động được xem là một giải pháp thiết thực.