“Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”, câu nói của Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khắc họa rõ nét bản chất mối quan hệ khắng khít của hai nước, hai dân tộc.
Sau khi Việt Nam và Lào ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng được củng cố, đổi mới và ngày càng phát triển sâu rộng. Ngày nay, mối quan hệ hợp tác đó đã bước sang một trang sử mới trong điều kiện mới, với nhiều nội dung hợp tác thực chất hơn, hiệu quả hợp tác liên tục được nâng cao.
Trao đổi thương mại Việt Nam - Lào không ngừng tăng lên: Kim ngạch 2 chiều năm 2005 đạt 165 triệu USD, đến năm 2022 đạt 1, 6 tỷ USD.
Việt Nam tiếp tục là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào (cùng với Trung Quốc và Thái Lan), với 413 dự án và tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2010. Đặc biệt, năm 2020 có 9 dự án được cấp mới và điều chỉnh, vốn lũy kế hơn 143 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2022, có 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chọn Lào là điểm đến đầu tiên ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước thể hiện chính sách nhất quán của ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tổ chức tại Trung Quốc, nhân cuộc gặp cấp cao giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Lào, xem Lào là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quan hệ Việt - Lào là tài sản vô giá, là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của cả hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước, có thể tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được giữ gìn, vun đắp.
Trong bức tranh đối ngoại năm 2023, có những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam hiện đại, khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống. Đó là chuyến thăm của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet diễn ra từ ngày 11 đến 12-12. Chuyến thăm diễn ra sau khi Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ VII chính thức đi vào hoạt động được hơn 3 tháng góp phần đưa quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới.
Trong năm 2022, kim ngạch thương mại 2 nước đạt mức kỷ lục gần 11 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 5,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Campuchia 3 tỷ USD và Campuchia xuất sang Việt Nam là 2,3 tỷ USD. Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng số vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong top năm nước có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ hai trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã có mặt ở 18/25 tỉnh, thành.
Nguồn Bộ Công thương
Chuyến thăm chính thức Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ hai và là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet tới một quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ thời điểm nhậm chức vào ngày 22-8 vừa qua. Chuyến thăm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam sau hành trình 56 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như khẳng định bất chấp biết bao khó khăn, thử thách cùng với những thăng trầm của lịch sử, với phương châm: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Dư luận truyền thông, giới nghiên cứu tại Campuchia đều đánh giá cao thành công của chuyến thăm, mang lại những thành tựu mới cho hợp tác hiệu quả giữa Campuchia và Việt Nam.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh” có nghĩa là: Tình hữu nghị Việt – Trung mãi mãi xanh tươi… “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” là phương châm mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác lập trong thời gian qua. Việt Nam xác định quan hệ với Đảng, Nhà nước Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Tính đến hết tháng 10-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Về đầu tư, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11-2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ ba về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. Riêng từ đầu năm nay đến cuối tháng 11, có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ hai về lượng vốn đăng ký.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghi dấu ấn đặc biệt trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2023. Kết quả nổi bật của chuyến thăm lần này đã được thể hiện rõ nét trong thông tin về các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao và tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, hai bên đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến 36 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai nước, với “nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại” (trích Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc).
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện; Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Đó chính là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai. Trong 15 năm qua, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.
Những điểm sáng trong hoạt động đối ngoại với các nước láng giềng cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Qua đó, nền tảng quan hệ và lòng tin chính trị với nhiều nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, được củng cố vững chắc, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm mức mới, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.