Là bạn với tất cả các nước
Trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao, đáng chú ý chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến CHDCND Lào từ ngày 10 đến 11- 4. Trước đó, trong 2 ngày 11 và 12-1. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Lào trong năm 2023. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từ ngày 17 đến 20-10.
Thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đó cũng là mục đích chính của chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23 đến 28-7 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Áo, Italy và Vatican; thông qua Áo và Italy thúc đẩy quan hệ Việt Nam- EU và góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.
Đặc biệt, kết quả chuyến thăm Tòa thánh Vatican đã mở ra hướng đi mới trong quan hệ hai bên. Trước đó, từ ngày 4 đến 6-5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tại Vương quốc Anh, 1 trong 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2023, hai nước đang cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú.
Triển khai tích cực chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, hình ảnh Việt Nam ngày càng đậm nét trên các diễn đàn kinh tế thế giới. Diễn ra tại TP Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 19 đến 22-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 mở rộng đã đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản. Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm 2023 nói riêng và Nhóm G7 nói chung với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực.
"Việt Nam đang đi đúng hướng và trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia. Việt Nam đã có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình đổi mới để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó giúp nền kinh tế phát triển ổn định, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế" - Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Á-Âu, Liên bang Nga
Ngày 26-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF. Đây là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ hội nghị của WEF, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế, đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ từ ngày 17 đến 23-9 và thăm chính thức Brazil từ 23 đến 25-9. Tiếp tục xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 18 đến 20-10.
Chuyến thăm lịch sử
Việt Nam đang triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.
Nằm trong xu thế đó, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9 và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã mở ra thời kỳ mới cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Việt Nam tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam thể hiện sự phát triển của lòng tin, sự hợp tác và ngoại giao hiệu quả giữa Hà Nội và Washington.
Ông Calvin Khoe, Giám đốc nghiên cứu và phân tích thuộc Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) đánh giá, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ tác động tích cực, lan tỏa và góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, sự phát triển toàn diện của ASEAN, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, “Việt Nam hiện chiếm một vị trí trung tâm trên trường quốc tế với tư cách là một thành viên trong chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu, phục vụ các khách hàng trên khắp thế giới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sau khi Việt Nam giành lại độc lập là Việt Nam làm bạn với tất cả các nước. Đối với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới.
Ngoài ra, trong năm 2023, Việt Nam cũng đã đón tiếp nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước. Toàn quyền Australia David Hurley là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm 2023 (từ ngày 3 đến 6-4) và sau đó 2 tháng là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, thể hiện sự coi trọng của Australia trong quan hệ với Việt Nam.
Kế tiếp là các chuyến thăm của đồng chí Roberto Morales Ojeda, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Cuba; Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân; Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev; Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long; Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin....
Đặc biệt, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 6-9 có cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào tại Hà Nội.
Bên cạnh các chuyến thăm nước ngoài của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 3 nước Mỹ Latinh gồm Cuba, Argentina và Đông Uruguay từ ngày 18 đến 28-4; tham dự Đại hội đồng AIPA-44 và thăm chính thức Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4 đến 10-8; thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria từ ngày 21 đến 26-9 đã làm phong phú thêm hoạt động đối ngoại của Quốc hội, đóng góp chung vào thành công của ngoại giao Việt Nam.