Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đã thành lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn biển Lý Sơn; thành lập và kiện toàn Tổ tình nguyện viên bảo vệ, bảo tồn rùa biển trên đảo Lý Sơn. Hằng năm thả tái tạo nguồn lợi thủy sản với gần 10 ngàn con giống thủy sản các loại tại các hồ chứa, sông và vùng biển ven bờ. Đồng thời, hỗ trợ hình thành 299 Tổ ngư dân đoàn kết trên biển, 12 Nghiệp đoàn nghề cá, 15 Chi hội nghề cá và 8 Hợp tác xã dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ... Cộng đồng ngư dân đã thể hiện vai trò tiên phong, cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Nhà nước, với các cơ quan chức năng.
Trong thời gian tới, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển liên hợp quốc tại Việt Nam đang xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng ở Bình Sơn theo hướng hài hòa sinh thái xã hội với công nghiệp hóa và đô thị hóa, gắn trao quyền cho cộng đồng trong quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế”. Qua đó sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của cộng đồng đối với công tác quản lý bảo vệ hệ sinh thái san hô nói riêng và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ nói chung.
Tại diễn đàn, các tỉnh đã chia sẻ mô hình hay trong quản lý, truyền đạt phương thức thành lập tổ cộng đồng trong quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại Bình Định có 4 tổ cộng đồng được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển bảo vệ nguồn lợi thủy sản là 46,134ha và có 220 thành viên tham gia tổ cộng đồng, phát triển sinh kế bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Sau thời gian khoanh vùng bảo vệ, tại các khu vực biển, hệ sinh thái rạn san hô bước đầu được phục hồi, cụ thể: tại Bãi Dứa (Bình Định) có độ phủ san hô đạt 75,6%, ở Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, ở Hòn Nhàn-Ghềnh Ráng đạt 31,8% và rạn Bãi Trước-Nhơn Châu đạt 23,1%.
Hà Tĩnh có Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.654 thành viên, đã giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích vùng biển 1.564/1.800km2 (chiếm khoảng 86% diện tích vùng biển ven bờ). Nhờ đó, mỗi năm Tổ này phối hợp Đồn Biên phòng ven biển tổ chức tuần tra trên biển từ 8-10 đợt, xử lý trên 10 trường hợp tàu cá hoạt động thủy sản sai quy định tại vùng biển được giao quyền.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, khẳng định vai trò của cộng đồng đối với công tác quản lý bảo vệ hệ sinh thái san hô nói riêng và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ rất quan trọng.
Ông khẳng định: “Hơn ai hết, chính những tổ đồng quản lý sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quản lý về nguồn lợi, việc khai thác và điều quan trọng nhất là theo định hướng sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản và nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển một cách hợp lý”.
Diễn đàn cũng thảo luận các vấn đề chống khai thác IUU, trong đó có báo cáo chuyên đề rà soát việc xây dựng và thực thi các quy định về khai thác IUU trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Theo đó, vào ngày 23-10-2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “Thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.
Sau 4 năm triển khai thực hiện từ khi bị cảnh báo "Thẻ vàng" đến tháng 10-2021, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Trong đó công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đã có tiến bộ, tính đến tháng 10-2021 tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS và có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 27.716/30.501 tàu cá (đạt 90,87%).
Các tỉnh đã thực hiện có kết quả hơn so với trước là Quảng Ninh (đạt 98,9%), Hà Tĩnh (đạt trên 80%). Đặc biệt là Thanh Hóa trong thời gian ngắn đã hoàn thành gần như 100% việc lắp đặt VMS, bên cạnh đó vẫn còn một số tỉnh chưa có chuyển biến đáng kể.
Tại diễn đàn, Tổng cục Thủy sản trao tặng Giấy khen đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đồng quản lý giai đoạn 2019-2021 tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận.