Tham dự tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, các sở ngành TP, quận, huyện ủy, UBND các quận huyện và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý các cơ quan báo chí, 56 tác giả có công trình, tham luận tham gia tọa đàm. Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chủ trì cuộc tọa đàm.
Cuộc tọa đàm nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị, xã hội, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu và của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức trong Đảng, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Mở đầu cuộc tọa đàm, PGS,TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05 Ban Tuyên giáo Trung ương nêu một số suy nghĩ về yêu cầu xây dựng đạo đức công vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 6 nội dung để xây dựng được đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực Nhà nước. Trong đó, đề cao các tiêu chí về tiếp xúc, xưng hô với nhân dân, giờ giấc làm việc; tinh thần, thái độ, sự tận tụy với công việc và có các chế tài đối với các vi phạm quy định và xác định rõ cơ quan có chức năng xử lý vi phạm…
Để chấn chỉnh những tật bệnh này của cán bộ, công chức, viên chức, theo ông Phạm Chánh Trực cần có những biện pháp về xây dựng và thực hiện đúng đắn, nghiêm minh mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống Nhà nước và chính quyền các cấp từ quản lý nặng nề về cai trị sang chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân; thực hiện chế độ và thu nhập hợp lý; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức và nhân dân.
Trong phát biểu tham luận, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu trọng tâm của việc nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trước tiên là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong bộ máy theo tinh thần một lĩnh vực, một việc chỉ nên giao cho một cơ quan, tổ chức phụ trách; có cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, người đứng đầu dựa theo tiêu chuẩn chức danh, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh; cải cách hệ thống chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, thống nhất, công bằng, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với thẩm quyền, điều kiện làm việc, tạo động lực phấn đấu và thăng tiến lành mạnh, liêm chính; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức…
“Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cần có cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực, thực hiện trách nhiệm giải trình và tinh thần chịu trách nhiệm trước hững hạn chế, yếu kém đối với lĩnh vực, công việc được giao; có thái độ, quyết tâm thực sự trong đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ những tật xấu, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức, không để tiếp tục gây bức xúc, nhức nhối, mất lòng tin trong nhân dân”, bà Phạm Phương Thảo đề nghị.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, công tác đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ hiện bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế phải sớm được khắc phục. Đó là, nội dung chương trình giáo dục đào tạo đạo đức công vụ chậm đổi mới, chất lượng còn hạn chế so với đòi hỏi của thực tế; hình thức bồi dưỡng còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn, tiêu biểu, đại diện đối với từng nội dung, chuyên ngành.
Trong giải pháp xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch làm theo các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu nói riêng tại Đảng bộ Sở Y tế, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đưa ra nhóm 8 nội dung, tập trung vào học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực tế của từng chức danh, nhiệm vụ cụ thể của đội ngũ cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo phẩm chất, đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, ý đức của cán bộ, nhân viên y tế; xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện Tiêu chí chuẩn mực đạo đức cán bộ, viên chức ngành y tế “Đoàn kết, trung thực, trách nhiệm, tận tình, hòa nhã, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức truyền thống của ngành y tế; xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, cụ thể cho các đối tượng, trước hết là cho thầy thuốc để thực hiện trong toàn ngành.
Các phát biểu tham luận của ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng và Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh nêu những biện pháp để tiếp tục tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Trong đó, đề cao những chuẩn mực đạo đức công vụ của từng ngành, đơn vị, lĩnh vực mà mình công tác; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nói “không” với các hành vi xa dân, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực, lợi ích nhóm. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, có năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới như Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dưng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì việc xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ có vai trò, ý nghĩa quan trọng.
Là cán bộ trực tiếp ở cơ sở tham gia cuộc tọa đàm, Bí thư Đảng ủy phường Tân Thuận Đông (quận 7) Nguyễn Đăng Thoại đưa ra 7 nhiệm vụ cấp bách hiện nay cần khắc phục tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức; xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh trong cán bộ, công chức, khích lệ tinh thần yêu mến nghề nghiệp và làm việc với lương tâm, trách nhiệm, danh dự nhằm phục vụ nhân dân và xã hội. Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP, điều quan trọng nhất của đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm, đó là hành vi. Nhiều cán bộ công chức, viên chức, công chức còn có hành vi xem thường nguyên tắc tổ chức, đi họp trễ giờ, chấp hành không nghiêm quy định trong công tác, học tập, thiếu văn hóa trong ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cấp dưới với cấp trên… Do vậy, để nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự giác, thực hiện nghiêm các hành vi và tạo môi trường làm việc có văn hóa, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Phát biểu lết luận tọa đàm, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá cao tham luận của các đại biểu gửi về tọa đàm, trong đó có 6 đồng chí Ủy viên Thường vụ Thành ủy, nhiều nhà khoa học, nhiều học giả trên nhiều lĩnh vực, đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng đạo đức công vụ; những giải pháp xây dựng và thực hiện có hiệu quả đạo đức công vụ gắn với học tập và làm theo Bác, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là tại các cơ quan Nhà nước.
Trong những kiến nghị, đề xuất thực hiện hiệu quả đạo đức công vụ tại TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, nhiều tham luận đã đi sâu vào 6 nội dung sát với thực tế hiện nay.
Trong đó, cần sớm xây dựng Luật Đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên các phương diện; phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm đạo đức công vụ; thực hiện công khai hóa quy trình tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà dân; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, nhằm tránh tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở từ những quy định pháp luật và vận dụng tùy tiện vào công việc.