Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp


Hiện nay, rác thải nhựa phát sinh với số lượng ngày càng gia tăng, đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2020) được Quốc hội thông qua đã thể hiện đậm nét quan điểm coi chất thải là tài nguyên, trong đó có chất thải nhựa.

Những chính sách nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa được kỳ vọng sẽ thay đổi ý thức, thói quen của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân từng chia sẻ, trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp. 

Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (CITENCO) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng đã phối hợp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Dự án hướng đến 4 mục tiêu cơ bản, gồm: thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác thu gom, phân loại và tiền xử lý chất thải tái chế; xây dựng mạng lưới kết nối với các đơn vị tái chế nhằm thí điểm các mô hình khuyến khích liên quan đến chất thải tái chế; tác động chính sách nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi đối với chất thải tái chế; truyền thông về phân loại rác tại nguồn cho cộng đồng và phân loại rác đối với lực lượng thu gom dân lập. 

Theo Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (2020) quy định cụ thể về nhóm sản phẩm thuộc đối tượng bắt buộc tái chế gồm pin và ắc quy, thiết bị điện, điện tử, săm lốp, bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với cả vòng đời của sản phẩm, buộc phải xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải. Tài chính được đóng góp bởi các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ được Bộ TN-MT hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt một cách minh bạch, công khai. 

Trách nhiệm tái chế, xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thực chất là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (quy định này có từ năm 2005). Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn thải bỏ của vòng đời sản phẩm. Khi trách nhiệm của nhà sản xuất được nâng cao sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn về khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục