Nâng cao tính ổn định của luật để kiểm soát quyền lực

TS Nguyễn Văn Nhứt, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, hiện có 3 dạng tham nhũng chính, đó là: tham nhũng về tài sản; về quyền lực chính trị và tham nhũng chính sách. Trong đó, tham nhũng chính sách là nguy hại nhất.

Ngày 30-12, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) trong công tác xây dựng pháp luật: những vấn đề lý luận và thực tiễn.

1.JPG
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Có chế tài đối với người làm hoạch định chính sách

Theo TS Trần Tuấn Duy, Phó Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM, việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong xây dựng pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tại TPHCM, việc áp dụng các quy định này đặc biệt cần thiết, góp phần thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của cả nước.

Sự cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan, tổ chức tại thành phố không chỉ giúp đạt được mục tiêu phát triển mà còn góp phần xây dựng một hệ thống pháp quyền minh bạch, chính trực và hướng tới nhân dân.

5.JPG
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Hội thảo không chỉ là dịp để đánh giá, nhìn nhận và phân tích các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, mà còn là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các lý luận về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC và công tác xây dựng pháp luật; quan điểm của Đảng và các quy định pháp luật liên quan đến kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đánh giá thực tiễn việc áp dụng Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC trong công tác xây dựng pháp luật tại TPHCM…

3.JPG
TS Nguyễn Văn Nhứt chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Theo TS Nguyễn Văn Nhứt, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TPHCM, để kiểm soát quyền lực phòng chống TNTC trong hoạt động xây dựng pháp luật thì phải khắc phục ngay tình trạng luật ban hành thiếu tính ổn định; chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành. Theo ông, thực trạng này rất dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng.

Phải phòng chống TNTC, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng chính sách pháp luật. Điều này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 178. Điều đó cho thấy sự kiên quyết, quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị trong triển khai nội dung này, qua đó cho thấy hoạt động phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong 10 năm gần đây, có rất nhiều chuyển biến tích cực

- TS Nguyễn Văn Nhứt cho biết.

TS Nguyễn Minh Nhứt cho rằng, hiện có 3 dạng tham nhũng chính, đó là: tham nhũng về tài sản; về quyền lực chính trị và tham nhũng chính sách.

Trong các dạng trên, tham nhũng chính sách là nguy hại nhất vì rất tinh vi, khó phát hiện, có cả một quy trình và hệ thống. Vì vậy, cần phải nêu cao sự liêm chính của chủ thể tham gia hoạch định chính sách. Ở đó, sự liêm chính không chỉ là vấn đề giáo dục đạo đức mà phải luật hóa, phải có chế tài; người làm công tác xây dựng pháp luật phải là người chuyên nghiệp và có bản lĩnh cao.

TS cũng cho rằng, cần phải luật hóa hoạt động “vận động hành lang"; cần có cơ quan chuyên môn sâu, tính độc lập cao để rà soát, đánh giá tác động của chính sách cũng như cần có quy trình chặt chẽ trong tiếp thu ý kiến phản biện của nhân dân trong xây dựng luật; khuyến khích, phát huy vai trò phản biện chính sách của các cơ quan truyền thông, báo chí…

Thể chế hóa Quy định 178 thành luật Nhà nước

Đồng thuận với ý kiến trên, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cũng cho rằng hiện nay một số luật có “tuổi thọ” ngắn, mới thông qua đã lạc hậu nên nhiều nhà đầu tư thấy rủi ro. Do đó, phải nâng cao chất lượng dự thảo các văn bản pháp luật; nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo quá trình thẩm tra văn bản pháp luật. Trong xây dựng chính sách – pháp luật cần phân cấp phân quyền cho rõ; tránh cơ chế xin – cho.

4.JPG
Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Về giải pháp, TS Phan Hải Hồ, giảng viên chính, Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng phải hoạch định chiến lược quốc gia về kiểm soát quyền lực, phòng chống TNTC trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa như xây dựng cơ chế “lồng nhốt quyền lực”, “kiểm soát quyền, đảm bảo “không thể”, “không dám”, “không cần” tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, nhanh chóng thể chế hóa Quy định 178 thành luật Nhà nước để tạo hành lang pháp lý về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC trong xây dựng pháp luật; luật hóa các vấn đề như trình tự, thủ tục và trách nhiệm pháp lý về "vận động hành lang".

Mặt khác, cần phải xây dựng cơ chế liên ngành để hạn chế cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật: có phân công, phân nhiệm, trách nhiệm chủ trì, phối hợp từ hoạch định chính sách, tham mưu dự thảo, đánh giá tác động chính sách, triển khai xây dựng chính sách, đưa chính sách vào văn bản pháp luật…

Tin cùng chuyên mục