Nâng cao tính dự báo

Những vấn đề nóng hổi từ cuộc sống luôn là động lực mạnh mẽ nhất cho xây dựng pháp luật.

Nâng cao tính dự báo

Thế nhưng để có được những đạo luật tốt, có tuổi thọ dài, các nhà làm luật cần có cái đầu lạnh, tức là có tầm nhìn và cân nhắc kỹ nguồn lực và quỹ thời gian cho công tác này.

Cuối phiên họp sáng 30-5, gom lại các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các đại biểu đã đề nghị bổ sung tới 17 dự án luật vào chương trình năm 2024, 2025. Quá một nửa số này được đề nghị bổ sung vào xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn 1 kỳ họp (kỳ họp thứ 8).

Điều này, theo ông Nguyễn Khắc Định, là khó khả thi, vì nguyên tắc là không trình khi không đủ hồ sơ, trong khi hầu hết các dự án được đề xuất này đều chưa có nên Quốc hội chưa thể đưa vào chương trình. Đó là chưa kể chương trình xin ý kiến Quốc hội (chưa tính các đề xuất nêu trên) cũng đã khoảng 50 dự án cho 2 năm 2024, 2025.

Từ góc độ riêng, mỗi đại biểu đều có lý khi phát hiện những bất cập pháp lý trong các lĩnh vực mà mình quan tâm để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội là hữu hạn. Khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra cũng phải được tính toán.

Rõ ràng, nâng cao tính dự báo ngay từ thiết kế đầu tiên của chương trình xây dựng pháp luật là một yêu cầu bức thiết, dù vẫn biết mỗi ngày cuộc sống đều có thể có thêm những vấn đề chưa được pháp luật bao quát hết.

Tin cùng chuyên mục