Nâng cao thu nhập nhờ cải tạo vườn tạp

Đồng bào dân tộc thiểu số được hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, phân bón để cải tạo vườn tạp. Nhờ đó, giá trị vườn cây được nâng cao, người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Đến thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi bắt gặp anh A Bút (thôn Tu Mơ Rông) đang nhổ cỏ, bón phân cho vườn mắc ca, mít thái. Khu vườn rộng 3ha, hiện đang trồng 500 cây mắc ca và 1.000 cây mít thái 3 năm tuổi. Các cây phát triển xanh tốt, cành nhánh xum xuê.

dfgdf.jpeg
Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà (bên trái) kiểm tra mô hình chuyển đổi vườn tạp của hộ anh A Bút

Ông A Bút cho biết, 3 năm trước, tại khu vườn này, gia đình trồng mì, nhưng cây không phát triển. Sau đó, Đảng ủy xã khuyến khích cải tạo chuyển đổi sang trồng mắc ca, mít thái. Gia đình tìm hiểu thì thấy đây là 2 loại cây có giá trị, thích hợp với chất đất, nên quyết định chuyển đổi.

Tin vui là sau 3 năm, các loại cây mít, mắc ca sinh trưởng rất tốt. Năm nay, gia đình bắt đầu thu quả mít. Qua khảo sát tỷ lệ quả, giá cả, có thể khẳng định khu vườn sau cải tạo sẽ cho giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng mì. Gia đình đang liên hệ với doanh nghiệp nhằm tìm đầu ra bền vững, giúp ổn định thu nhập.

Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà cho biết, Đăk Hà là xã thuần nông. Các hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích vườn lớn, nhưng giá trị cây trồng trên khu vườn mang lại chưa cao. Lý do là bà con quy hoạch vườn chưa hợp lý, trồng nhiều loại cây tạp, không đúng kỹ thuật, cây trồng chưa phù hợp chất đất.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy đã vận động, hỗ trợ dân cải tạo khu vườn gia đình, hướng đến loại bỏ những cây trồng kém chất lượng, đưa vào trồng những cây có giá trị cao; cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con chăm sóc đúng kỹ thuật.

Nhờ đó, trên địa bàn xã, người dân đã cải tạo được 58ha vườn tạp sang trồng cà phê, cây ăn quả, sâm dây, mắc ca, dứa. Nhiều mô hình cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúc chưa cải tạo, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Còn tại huyện Sa Thầy, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, người dân đua nhau cải tạo vườn tạp. Theo bà Y Sâm, Phó Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, khoảng 9 tháng của năm 2024, có 2.366 hộ tham gia cải tạo 696ha với các loại cây như sầu riêng, mắc ca, qua đó từng bước hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng.

Quá trình triển khai đề án cải tạo vườn tạp, người dân còn chủ động lắp đặt hệ thống nước tưới. Điều này thể hiện sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm và ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu từ chính khu vườn của người dân.

Trong thời gian tới, Thường trực Huyện ủy sẽ chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhằm hỗ trợ người dân cây giống để tiếp tục mở rộng diện tích cải tạo vườn tạp; kêu gọi doanh nghiệp liên kết với người dân để tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, trên địa bàn, tổng diện tích cần cải tạo là hơn 3.000ha. Trong đó, đến tháng 9-2024, người dân đã cải tạo được hơn 2.060ha.

Cây trồng phục vụ việc cải tạo là cây sầu riêng, bơ, xoài, dứa, mắc ca, cà phê xứ lạnh, các loại rau, củ, quả.

Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp các huyện, thành phố tuyên truyền, khuyến khích người dân vay vốn cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thêm thu nhập từ kinh tế vườn.

Tin cùng chuyên mục