Phát biểu tại diễn đàn, bà Huỳnh Thị Xuân Lam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ: "Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thách thức. Đại dịch Covid-19 để lại những tác động tàn khốc và hậu quả khôn lường, đặc biệt những sang chấn tâm lý dai dẳng đối với hàng trăm triệu người".
Bà Huỳnh Thị Xuân Lam phát biểu tại diễn đàn |
Những tác động ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu; sự gia tăng về tần suất, khó đoán định và mức độ tàn khốc của thiên tai, thảm họa - mà châu Á – Thái Bình Dương được xác định là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới.
Qua đó, làm gia tăng nhu cầu nhân đạo trên toàn thế giới, đòi hỏi các hội quốc gia, trong đó có thanh thiếu niên Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần kịp thời thích ứng, chuyển đổi mạnh mẽ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Bà Maha Barjas Hamoud Al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho rằng, các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gây tác động không cân xứng đến giới trẻ, cũng như những thách thức khi gián đoạn công tác giáo dục, thất nghiệp, tiếp xúc hoặc có nguy cơ ảnh hưởng bởi bạo lực và rủi ro sức khỏe. Do đó, cần thay đổi cách suy nghĩ, làm việc, gắn kết hơn, nhằm duy trì tính bền vững, phù hợp cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tiếp theo.
Diễn đàn thanh niên Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 4 |
Theo bà Sarita Love, Chủ tịch Mạng lưới thanh niên châu Á - Thái Bình Dương, các nền tảng số như Facebook, Instagram, họp trực tuyến giúp kết nối người trẻ xuyên biên giới. Nền tảng số mang cơ hội phát triển nghề nghiệp, giao lưu, kết nối; do đó cần tận dụng để tăng cường sự tham gia của người trẻ vào ứng phó thảm họa. Cụ thể, cần tạo cơ hội cho người trẻ tham gia xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động, phát biểu, cho ý kiến tại các diễn đàn liên quan.