Nâng cao nhạy cảm giới trong hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người

Chiều 19-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) đồng ý với việc bổ sung nội dung mua bán bào thai vào điều 3 (các hành vi bị nghiêm cấm) vì theo quy định của pháp luật hiện hành, bào thai chưa được xác định là người nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp mua bán bào thai, mua bán người từ khi còn là bào thai.

Hình 3 (1).jpg
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: CẨM TUYẾT

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM đề nghị bổ sung điều 20 về trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, về nội dung “Xây dựng và vận hành các mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người”.

Việc bổ sung trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác; đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói riêng.

Hình 4 (1).jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Tại điều 6 về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Loan đề nghị bổ sung một điểm vào khoản 1 điều 6 như sau: “Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thân thiện, bố trí cán bộ làm việc phù hợp với giới tính của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.

Hình 1 (2).jpg
Toàn cảnh hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Đoàn ĐBQH TPHCM chiều 19-9. Ảnh: CẨM TUYẾT

Bởi theo bà Loan, thực tiễn đã phát sinh những khó khăn về nhạy cảm giới trong quá trình giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt, lực lượng công an, bộ đội biên phòng có chức năng giải cứu, điều tra hầu hết là nam giới; còn nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái, mà đa phần họ bị mua bán để bóc lột tình dục nên khó khăn trong áp dụng nhạy cảm giới.

Hình 2 (1).jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo. Ảnh: CẨM TUYẾT

Do đó, dự thảo Luật cần quan tâm đề cập sâu hơn về các biện pháp đảm bảo nhạy cảm giới trong suốt quá trình từ khâu tiếp nhận, giải cứu đến điều tra, truy tố và xét xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng… Bên cạnh đó, ngoài giới tính nam và nữ, có những người thuộc giới tính thứ ba. Vì vậy, việc bố trí biện pháp thân thiện, cán bộ làm việc phù hợp với giới tính nạn nhân là điều quan trọng.

Tin cùng chuyên mục