Tham dự có ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN-MT, ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN-MT, ông Chu Hồng Sơn - Phó vụ trưởng vụ Chính sách Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai và khoảng 100 đại biểu đến từ Sở TN-MT, tuyên truyền viên, báo cáo viên, tình nguyện viên các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp,...
Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật được coi là luật đất đai mới nhất. Sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đất đai năm 2013 vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập về mặt tổ chức thực thi pháp luật và một số nội dung phát sinh nhưng pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh.
Khi đề cập đến những hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật về đất đai năm 2013, ông Chu Hồng Sơn, Phó vụ trưởng, Vụ chính sách Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự thống nhất đồng bộ. Công tác tuyên truyền không thường xuyên, thực chất, đầy đủ mọi đối tượng. Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện không đầy đủ: nội dung sử dụng đất trong quy hoạch các nghành không thống nhất quy hoạch, sử dụng đất; chưa xác định đầy đủ ngoài thực địa ranh giới đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ theo quy định;...
Cũng theo ông Sơn, tại địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện triệt để theo quy định luật. Việc công khai lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn mang tính hình thức. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi chưa đồng thời trong ngày theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện đăng ký đất đai. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, phân tán, lỗi thời. Kết quả đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận chưa kịp thời nên việc quản lý không hiệu quả. Việc xác định giá đất cụ thể theo Luật Đất đai 2013 còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật về xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, thuê đất.
Kế hoạch thanh tra chưa sát với thực tế, việc thanh tra vẫn còn mang tính bị động theo báo chí và dư luận phản ánh. Việc xử lý vi phạm đất đai từ Trung ương đến địa phương còn ít, kết luận còn chậm, tỷ lệ thu hồi tiền đất qua xử lý còn thấp. Nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính còn tình trạng đùn đẩy né tránh chưa giải quyết dứt điểm, quan tâm đúng mức. Việc tổ chức cơ quan quản lý đất đai và trung tâm phát triển quỹ đất còn chậm theo thời gian quy định.
Với những bất cập trên, công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về đất đai có vai trò quan trọng. Cần đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền không chỉ thông qua hội nghị, hệ thống truyền thanh, công tác hòa giải ở cơ sở, hoạt động câu lạc bộ pháp luật mà bằng những cách thức như tọa đàm buổi nói chuyện, hoạt cảnh tình huống,...
Nội dung tuyên tuyền phải trọng tâm, thực tiễn không gây cảm giác nhàm chán cho người nghe. Đồng thời, nội dung cần phù hợp với từng đối tượng cho mọi vùng miền Bắc với miền Trung, đồng bằng với miền núi, người Kinh với người Dân tộc thiểu số, giữa các tôn giáo,...