Liên tiếp trong thời gian qua tại TPHCM, các trạm cấp cứu 115 vệ tinh ra đời cùng với nhiều hình thức cấp cứu đa dạng đã góp phần không nhỏ trong việc cứu sống kịp thời người bệnh, góp phần nâng cao uy tín của ngành y tế trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Cánh tay nối dài của ngành y tế
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, mỗi ngày có khoảng 1.500 bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp cấp cứu tại chỗ. Phần lớn trong số đó được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến khoa cấp cứu tại các bệnh viện (BV) gần nơi cư trú bằng các phương tiện taxi, xe máy. Chính vì thế, có những trường hợp bệnh nhân được đưa tới BV trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển sai cách gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp tử vong trước khi đến được BV.
Trước thực tế trên, từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế đã quyết định mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện đặt tại các BV quận huyện, nhất là ở các khu vực cửa ngõ, ngoại thành. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có 31 trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các BV đa khoa quận huyện, BV tư nhân, làm tăng “cơ hội vàng” cứu sống bệnh nhân hơn.
“Sở Y tế đã huy động sự tham gia của các BV tư nhân và cả BV quân đội, như BV Đa khoa Xuyên Á, BV Quốc tế City, BV Hoàn Mỹ, BV Quân y 175… Lợi thế của các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đóng tại các BV khác nhau trên địa bàn là rút ngắn khoảng cách và thời gian tiếp cận hiện trường, tranh thủ “thời gian vàng” cấp cứu người bệnh”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.
Chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu
Với sự đầu tư mở rộng mạng lưới cấp cứu vệ tinh khắp các địa bàn, người dân TPHCM đã bắt đầu nhận biết và sử dụng dịch vụ cấp cứu 115. Năm 2018, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận được 23.200 cuộc gọi cấp cứu, thực hiện 17.000 lượt cấp cứu ngoại viện và vận chuyển 12.900 lượt bệnh nhân đến BV cấp cứu. Những con số này đều cao gấp 3 lần so với năm 2015.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, nhận định đây chính là cánh tay nối dài giúp ngành y tế nâng cao năng lực, tạo thương hiệu, uy tín đối với người dân. Nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với các trạm cấp cứu vệ tinh, các BV, đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong, hồi sinh kịp thời các trường hợp tai nạn bất ngờ, đảm bảo cấp cứu trong “thời gian vàng”.
Thêm nhiều loại hình cấp cứu linh động
Mới đây, ngành y tế TPHCM đã triển khai thí điểm mô hình Xe cứu thương 2 bánh tại BV Đa khoa Sài Gòn trên cơ sở học tập mô hình của các nước trên thế giới. Sáng kiến này vinh dự được bình chọn Giải thưởng Sáng tạo của TPHCM.
Cụ thể, mỗi lần nhận được cuộc gọi cấp cứu, căn cứ vào địa điểm, địa hình của người bệnh ở các hẻm nhỏ (mà xe cứu thương khó di chuyển), hoặc tình trạng của bệnh nhân cấp cứu, BV Đa khoa Sài Gòn sẽ điều 2 nhân viên y tế tiếp cận người dân bằng xe 2 bánh để kịp thời sơ cứu. Sau đó, tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, ô tô cứu thương được điều đến đưa người bệnh đến BV hoặc có thể tiếp tục điều trị ngoại trú tại nhà.
Dù mới ra đời nhưng mô hình xe cứu thương 2 bánh đã phát huy hiệu quả tốt bởi tính cơ động cao, tiếp cận hiện trường cấp cứu trong thời gian ngắn nhất khiến người dân rất hài lòng. Sau thành công tại BV Đa khoa Sài Gòn, Sở Y tế đã nhân rộng mô hình xe cứu thương 2 bánh tại các BV Quận 4, BV Quận 2 và BV Quận Thủ Đức.
“Mô hình thí điểm vẫn đang triển khai và nhân rộng, điều chỉnh từng bước cho phù hợp với đặc thù riêng của TPHCM với mục tiêu để người dân được tiếp cận với lực lượng y tế một cách nhanh nhất, kịp thời nhất”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Cùng với việc phát triển số lượng các trạm vệ tinh, đa dạng hóa hình thức cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Cấp cứu 115 đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, từ tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, sàng lọc đến hướng dẫn người nhà của người bệnh cách tự sơ cứu tại chỗ trong khi chờ nhân viên cấp cứu ngoại viện đến hiện trường.
Bên cạnh đó, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng đang xây dựng hệ thống điều hành thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng kết nối, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu thừa trong tiếp nhận, xử lý thông tin cấp cứu. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, với hệ thống điều hành cấp cứu thông minh, khi nhân viên tổng đài 115 nhận cuộc gọi thì sẽ nhập liệu thông tin bệnh nhân, địa chỉ, hướng dẫn sơ cấp cứu tại nhà. Tất cả dữ liệu về bệnh nhân được nhập bằng bàn phím hoặc màn hình cảm ứng. Dữ liệu bệnh nhân được chuyển đến điện thoại thông minh của kíp trực cấp cứu. Kíp trực cấp cứu lên đường đến địa điểm cần cấp cứu và trên đường đi, nhân viên cấp cứu sẽ gọi xác nhận với người nhà bệnh nhân.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, 2 năm qua, TPHCM đã đi tham quan học tập các mô hình cấp cứu ở nước ngoài để có những cải tiến phù hợp. Hiện thành phố cũng đang hướng đến đào tạo chuyên viên cứu thương paramedic (ngoại viện) và phát triển nhiều loại xe cấp cứu. Cũng theo ông, với mạng lưới trạm cấp cứu trải khắp thành phố, việc kết nối thông qua trạm điều hành thông minh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.