Chương trình bước đầu xây dựng hướng dẫn thực hành lâm sàng cho dược sĩ trong một số mảng bệnh không lây nhiễm và đẩy mạnh hoạt động này tại các bệnh viện trên toàn quốc trong thời gian tới.
Theo đó, dự án sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ tháng 7-2018 đến tháng 12-2018) tập trung vào việc xây dựng hướng dẫn thực hành dược lâm sàng. Sản phẩm mong đợi của giai đoạn này là tài liệu hướng dẫn thực hành dược lâm sàng cho 3 mảng bệnh không lây: đái tháo đường, tim mạch và ung thư với sự tham gia xây dựng soạn thảo, biên tập từ các dược sĩ lâm sàng, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành dược lâm sàng từ các bệnh viện, trường đại học y dược trên toàn quốc.
Giai đoạn 2 (năm 2019), ngành y tế sẽ chỉ đạo tổ chức thi đua thực hiện và nhân rộng thực hành dược lâm sàng như một nhu cầu thiết yếu tại các cơ sở y tế; hướng dẫn chỉ đạo các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn lâm sàng cho dược sĩ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đây là một trong những dự án cấp quốc gia đầu tiên về dược lâm sàng dành riêng cho hoạt động thực hành dược. Chương trình cũng được xem là bước tiếp nối và nhân rộng mô hình từ việc thực hành thí điểm đã triển khai thành công năm 2017 tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM.
“Dược lâm sàng từ lâu đã là một ngành phát triển tại các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Singapore... Trong đó, người dược sĩ tư vấn về thuốc cho bác sĩ, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị; đồng thời giúp tư vấn cho người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Trong những năm qua, Bộ Y tế cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của dược lâm sàng nhằm thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế, giảm chi phí cho người bệnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Với dự án lần này, hy vọng dược lâm sàng sẽ cải thiện chất lượng cho điều trị bệnh và sức khoẻ cho người dân Việt Nam” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê kỳ vọng.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… đã đạt được những bước phát triển đáng kể cho phân ngành thực hành dược lâm sàng.
Tại Việt Nam, dược lâm sàng cũng đã được quan tâm từ những năm 90 của thế kỷ XX khi phân môn này được đưa vào trong chương trình giảng dạy tại một số trường đại học y dược.
Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực hành thì vẫn còn rải rác, chưa đồng bộ và chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Thực tế, để triển khai hoạt động này, các cơ sở y tế phải đối mặt với không ít khó khăn như thiếu nhân lực hoặc nguồn lực dược sĩ hiện có chỉ đáp ứng được cho chu cầu cung ứng và cấp phát thuốc, thiếu thời gian cho việc chuyên sâu vào công tác lâm sàng.