Việc sắp xếp, quy hoạch phải dựa vào thực tiễn khách quan, hài hòa giữa lợi ích của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và lợi ích của người thụ hưởng (bạn đọc, bạn xem và nghe đài).
Hiện tại đất nước ta với dân số trên 90 triệu người, có gần 1.000 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình; 41.000 người làm báo (trong đó có trên 20.000 người được cấp thẻ nhà báo). Số lượng đó nhiều hay ít, tùy thuộc vào đánh giá của từng người, song điều mọi người dễ thống nhất là báo chí không phải là ngành nghề nặng tính kinh doanh, kiếm tìm lợi nhuận mà là một nghề đặc biệt, sản phẩm của nó được coi như một thứ hàng hóa đặc biệt.
Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, báo chí là nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, tiếng nói của tổ chức Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, diễn đàn của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí còn là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng; là một mặt trận, người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Soi rọi vào chức năng, nhiệm vụ của báo chí nước ta, Đảng, Nhà nước và bạn đọc đã có đánh giá xác đáng.
Bên cạnh ưu điểm là chủ yếu, báo chí nước nhà còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập. Ví dụ như sự chồng chéo, nối dài trong thông tin; tổ chức bộ máy chưa hợp lý; đời sống của người làm báo thiếu ổn định... Và, đặc biệt một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chạy theo lợi nhuận. Một số người làm báo tha hóa, biến chất, bẻ cong ngòi bút, thông tin sai sự thật; có không ít trường hợp lợi dụng nghề nghiệp tống tiền, tạo nhóm lợi ích trái với lương tâm và quy định của pháp luật.
Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo, để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc quy hoạch sắp xếp lại báo chí cần có bước đi phù hợp, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Trong đó, việc giải quyết lực lượng lao động dôi dư là một bài toán khó.
Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là mô hình, cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí. Đất nước đổi mới đã hơn 1/3 thế kỷ. Cùng với sự đổi mới toàn diện của đời sống xã hội, báo chí nước ta đã từng bước đổi mới cả về số lượng và chất lượng. Các cơ quan báo chí trước đây thực hiện một loại hình báo chí, nay phần lớn có nhiều loại hình báo chí; không ít các cơ quan báo chí hoạt động theo hướng đa phương tiện.
Vì thế, căn cứ Luật Báo chí và căn cứ tình hình nhiệm vụ mới của đất nước, việc quy hoạch sắp xếp lại hệ thống báo chí lần này cần phải đạt yêu cầu như các quyết định, hướng dẫn cấp trên đề ra. Nhưng theo chúng tôi, chí ít phải đạt được 2 nội dung lớn: quy hoạch sắp xếp lại báo chí để tăng sức mạnh, hiệu quả của báo chí nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nâng cao tính dân chủ, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; và xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về quan điểm chính trị, tinh thông về nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không thể coi nhẹ. Vừa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống của người làm báo nhằm hạn chế tiêu cực là việc làm vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài.
Như trên đã nói, mục đích của việc quy hoạch sắp xếp báo chí đều nhằm nâng cao năng lực sáng tạo của cơ quan báo chí nói chung và nhà báo nói riêng. Sau quy hoạch, báo chí nước ta chắc chắn có diện mạo mới, sức mạnh mới. Tất nhiên khó khăn không ít; và đôi khi có bài toán chưa tìm ra lời giải hữu hiệu, như vấn đề kinh tế báo chí và giải quyết số lao động dư dôi. Song, việc khó mấy cũng có cách giải quyết, nếu cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo cơ quan báo chí cùng nhìn một hướng, tìm cách khắc phục khó khăn, vươn lên.