Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Trần Thị Diệu Thúy
Đây là đại hội được giai cấp công nhân, người lao động đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới của tổ chức công đoàn trong nâng cao năng lực là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Trần Thị Diệu Thúy về những vấn đề đang đặt ra với hoạt động công đoàn.
Mở rộng các hình thức chăm lo
PHÓNG VIÊN: Thời gian qua, các cấp công đoàn TPHCM đã triển khai được nhiều chương trình phúc lợi chăm lo công nhân, lao động. Định hướng trong nhiệm kỳ tới, LĐLĐ TP sẽ nâng chất các chương trình này như thế nào, hoặc dự kiến có thêm chương trình mới nào không, thưa bà?
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Những chương trình chăm lo của các cấp công đoàn đã rất cụ thể và đi vào đúng đối tượng công nhân, lao động, cũng như con công nhân, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Nhiều chương trình đã ghi đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn TPHCM, đồng thời lan tỏa đến các tỉnh thành như Tấm vé nghĩa tình, Tết sum vầy, Mái ấm công đoàn, Trái tim nghĩa tình, hoạt động hỗ trợ vay vốn… Tuy nhiên, số lượng chăm lo vẫn chưa nhiều. Do vậy, định hướng trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ tăng số lượng các mái ấm, ca mổ tim, tấm vé nghĩa tình để những công nhân, lao động thật sự khó khăn sẽ nhận được hỗ trợ đúng lúc. Hoạt động phong trào công đoàn chủ yếu là tại cơ sở và theo cơ sở, trong văn kiện đại hội, chúng tôi xác định thời gian tới sẽ đầu tư các phong trào nhiều hơn cho công nhân khối trực tiếp sản xuất, công nhân tại các khu nhà trọ.
Phần lớn công nhân tại TPHCM là người ngoài tỉnh, cuộc sống còn khá khó khăn, phải sống trong các khu nhà trọ ọp ẹp với các sinh hoạt phí khá cao. Ngoài ra, họ còn nhiều nỗi lo khác, điển hình như nơi gửi con để có thể an tâm sản xuất. Đến nay, công đoàn đã cùng doanh nghiệp (DN) giải quyết các bài toán này như thế nào, thưa bà?
Đó là những vấn đề khó và cũng là nỗi lo canh cánh của tổ chức công đoàn thời gian qua. Riêng việc chăm lo nhà ở cho công nhân, chúng tôi đã tính toán rất nhiều, nhưng đây là bài toán nan giải. Vai trò của công đoàn chỉ có thể tham mưu để DN có các hoạt động chăm lo người lao động, trong đó có vấn đề chỗ ở. Hiện TPHCM có một số khu lưu trú công nhân nhưng chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng có phương án xây các khu lưu trú, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do. Hiện đang có vài DN đã xây nhà trẻ để công nhân an tâm làm việc, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi luôn chỉ đạo công đoàn cơ sở, nếu DN có khả năng thì công đoàn phải tham mưu, đề xuất xây dựng nhà trẻ, khu lưu trú. Phía công đoàn cũng có đề nghị lãnh đạo quận, huyện và TP đầu tư xây dựng nhà trẻ nhiều hơn, cũng như quản lý chặt chẽ hơn các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục để công nhân an tâm gửi con ở nơi có chất lượng. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc sẽ tổ chức lớp chăm sóc trẻ tại các nhà văn hóa lao động nhằm giải quyết phần nào nhu cầu bức bách của công nhân, đồng thời phát huy nguồn lực cơ sở vật chất của nhà văn hóa.
Nâng chất đội ngũ cán bộ công đoàn
Vai trò cốt yếu của công đoàn là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên theo nhận định thì thời gian qua vai trò này còn khá mờ nhạt. Thời gian tới, LĐLĐ TP sẽ có giải pháp cụ thể gì để nâng tầm hoạt động?
Chúng tôi luôn hướng đến đội ngũ cán bộ công đoàn phải là người biết chia sẻ, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Tôi nhìn nhận hiện nay, tổ chức công đoàn chưa làm được, hoặc chỉ mới làm được ở những nơi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chứ chưa làm tốt vai trò tại các đơn vị có quy mô sản xuất lớn. Nhiều nơi, cán bộ công đoàn chưa quan tâm, gắn bó với người lao động hay chỉ làm cho có lệ. Điều này cũng bởi cán bộ công đoàn cơ sở đa phần là kiêm nhiệm. Áp lực lao động sản xuất cũng là một trở ngại đối với họ. Chúng tôi hiểu điều đó nên thời gian tới, bằng nhiều giải pháp, chúng tôi sẽ đầu tư để có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, vừa chuyên nghiệp vừa năng động; sát, gần và là người bạn của công nhân, lao động. Đó sẽ là các chương trình huấn luyện, đào tạo chuyên sâu, đào tạo kỹ năng mềm tùy theo từng nhóm đối tượng để nâng chất đội ngũ.
Niềm vui của công nhân khi được về quê đón tết cùng gia đình nhờ chương trình “Tấm vé nghĩa tình” (Ảnh: Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi công nhân trước giờ khởi hành)
Trong nhiệm kỳ tới, văn kiện đại hội có đề ra nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. LĐLĐ TP đã có kế hoạch gì để thực hiện?
Thời gian tới, chúng tôi vẫn phát huy những chương trình cũ có hiệu quả, như đưa các buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim đến nơi có đông công nhân để thông qua đó, tổ chức công đoàn có thể tuyên truyền thêm về pháp luật, giáo dục các kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, sẽ xây dựng các chương trình nâng cao đời sống văn hóa tinh thần dựa trên nền tảng công nghệ để mọi công nhân, lao động đều có thể dễ dàng tham gia. Ngoài ra, công đoàn sẽ phối hợp cùng tổ chức đoàn và hội phụ nữ xây dựng nếp sống văn hóa cho anh em công nhân ngay tại nơi cư trú.
Hiện nay, tay nghề của công nhân vẫn còn thấp. Công đoàn TP có kế hoạch gì để người lao động được nâng cao tay nghề, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Thời gian qua, các cuộc thi tay nghề ngay tại cơ sở và TP chính là giải pháp để người lao động rèn luyện, nâng cao tay nghề, kỹ năng của mình. Nhưng, điều chúng tôi trăn trở chính là sau các cuộc thi ấy, người lao động có được DN công nhận tay nghề và được nâng lương hay không? Đây chính là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Công đoàn phải đứng ra thỏa thuận, đàm phán với người sử dụng lao động để giải quyết nâng bậc nghề, tăng lương. Có như vậy mới khích lệ người lao động và hoạt động không chỉ dừng lại ở phong trào hình thức. Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi đã và đang kết hợp nhiều biện pháp để người lao động hiểu hiện nay các hiệp định đối tác với nước ngoài đã được mở rộng hoàn toàn, nên khả năng cạnh tranh lao động là rất cao. Nếu công nhân không chủ động tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề thì sẽ có nguy cơ mất việc. Chính ý thức cạnh tranh sẽ giúp người lao động phấn đấu để giữ công việc của mình.
Đừng vì thành tích, hãy làm bằng cả tấm lòng
Hơn 32 năm làm công tác công đoàn, tôi trăn trở nhiều về vai trò của công đoàn trong tăng cường pháp luật để bảo vệ cũng như đại diện người lao động. Có nhiều cách để bảo vệ công nhân, trong đó hiệu quả nhất chính là bằng pháp luật, nhưng lâu nay công việc này dường như đang bỏ dở. Tuyên truyền và nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là điều rất khó, nhưng lại rất cần thiết. Để làm được, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải thực hiện thường xuyên, đồng thời đa dạng cách làm để thu hút người lao động.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi kỳ vọng vào lớp cán bộ công đoàn trẻ, có kiến thức, năng động, sẽ mang đến nhiều sinh khí mới cho hoạt động công đoàn. Tôi mong mỏi cán bộ công đoàn hãy làm hết trách nhiệm của bản thân, tìm tòi, chịu khó học tập nâng cao kiến thức để các hoạt động ngày càng chuẩn, chuyên nghiệp hơn, chăm lo người lao động một cách sát thực hơn. Và hơn hết, đừng lấy thành tích làm thước đo mà hãy làm bằng tất cả tấm lòng vì người lao động.
Ông NGUYỄN HUY CẬN, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM
Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có năng lực
Theo tôi, cần tăng cường đào tạo, nâng chất đội ngũ cán bộ công đoàn tại cơ sở. Hoạt động công đoàn thành hay bại là từ cơ sở. Để nâng cao đời sống người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở phải phát huy vai trò thương lượng, điều này đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kỹ năng và nhất là am hiểu về chính sách pháp luật. Hoạt động công đoàn tại cơ sở mạnh thì mới có thỏa ước tốt, phúc lợi tốt, đời sống, việc làm người lao động sẽ ổn định. Từ đó góp phần tạo môi trường làm việc trong DN được duy trì ổn định, hài hòa.
Khi công đoàn giúp người lao động và chủ DN có cùng tiếng nói, có sự chia sẻ thì đôi bên sẽ hài lòng. Để làm được điều đó, tổ chức công đoàn phải trung thực, công bằng, công tâm. Nên nhớ, cán bộ công đoàn là trọng tài thật sự để liên kết, phối hợp hài hòa, tạo niềm tin cho đôi bên. Làm tốt vấn đề này, niềm tin của người lao động và chủ DN đối với công đoàn sẽ tăng lên. Cũng cần phải cải tiến cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ công đoàn tại cơ sở, để họ an tâm cống hiến.
Ông HUỲNH PHÁT ĐẠT, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis
Mong muốn được ổn định cuộc sống, nâng cao tay nghề
Hơn 10 năm đến TPHCM lập nghiệp, điều tôi mong mỏi nhất là có nơi để an cư. Với thu nhập hiện nay, ngoài lo cuộc sống bản thân, gửi về quê nuôi ba mẹ già, tôi chỉ còn một ít để tích lũy. Nhưng sự dành dụm ấy không thể giúp tôi mua được căn nhà với giá cao như hiện nay. Tôi từng nghe về nhà ở giá rẻ cho công nhân, nếu lãnh đạo TP và tổ chức công đoàn có thể thực hiện được, thì giấc mơ ổn định cuộc sống của chúng tôi sẽ có cơ hội thành hiện thực.
Thời gian qua, trong quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng để tay nghề được nâng lên, chứ tôi không có điều kiện để học tập, nâng cao tay nghề. Vì ngoài việc ở xa trung tâm, công nhân chúng tôi có rất ít thời gian để có thể tham gia học tập. Nếu tổ chức công đoàn mở các lớp đào tạo nghề ngay tại xưởng thì đó là điều kiện rất tốt đối với chúng tôi.
Công nhân PHẠM THỊ THANH HOA, Công ty may ở huyện Hóc Môn