Theo đó, trong giai đoạn 2022-2023, có 20.000 nhân viên y tế trên toàn quốc tham gia chương trình sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn với nội dung cập nhật chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh lý phổ biến tại tuyến cơ sở, bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã.
Các khóa đào tạo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, thông qua việc ứng dụng nền tảng “Y360 - Cộng đồng y khoa học và đọc”. Nền tảng đào tạo trực tuyến sẽ có hệ thống đo lường và đánh giá năng lực người học qua từng chủ đề, bài học, đăng tải miễn phí tài liệu cho toàn bộ nhân viên y tế đều có thể truy cập.
Trong chương trình, các nhân viên y tế sẽ được tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong quản lý hiệu quả các bệnh nhân mắc các bệnh thường gặp như: tăng huyết áp, đái tháo đường & nội tiết, cơ xương khớp, thai sản và chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế tham gia chương trình sẽ được nâng cao kiến thức trong cung ứng thuốc thiết yếu, chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cấp cứu, tiêm chủng vaccine dự phòng và vấn đề tư vấn cho người dân, dự phòng cho những tình huống khẩn cấp trong tương lai
PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ, chương trình là bước khởi đầu cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo liên tục tại Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, vì sự phát triển của y tế Việt Nam.