Đắt do vận chuyển, bảo quản
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics trong nông nghiệp quá cao trong tổng chi phí sản phẩm, như hải sản chiếm 12%, gạo chiếm 20%, cà phê 10%, rau quả chiếm 29,5%... Theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VLA, những điểm làm tăng chi phí logistics do các phụ phí, phí cầu đường, chi phí về kiểm tra chuyên ngành…
Theo một nghiên cứu, trong chuỗi nông sản (rau củ quả), chi phí logistics chiếm hơn 20%, gồm 61% vận chuyển, 20% xếp dỡ, 14% lưu trữ, 5% bao bì. Cùng với đó, nhiều phương tiện vận tải chỉ có hàng hóa vận chuyển một chiều, còn chiều ngược lại chạy rỗng. Bên cạnh đó, sản phẩm tươi sống thường hư hỏng nhanh do công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn rất nhiều hạn chế.
Tại một hội nghị giải “bài toán” logistics đối với nông sản, nhiều doanh nghiệp thủy sản than thở, chi phí vận chuyển quá cao. Đơn cử, chi phí vận chuyển một container chở tôm từ Cà Mau đến TPHCM là 10 triệu đồng, nếu ra đến Hà Nội khoảng 80 triệu đồng.
Tương tự, TPHCM đến biên giới Trung Quốc gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, cũng một container từ Việt Nam đến Mỹ chỉ khoảng 40 triệu đồng. Trong ngành hàng cà phê, doanh nghiệp chỉ có thu mua được khoảng 30%, còn lại 70% thu mua qua trung gian.
Cùng với đó, chi phí vận chuyển từ Tây Nguyên xuống TPHCM cao gấp đôi so với TPHCM đi Nhật Bản. Tại sao chi phí vận chuyển cao, theo các doanh nghiệp là do tuyến đường Việt Nam có quá nhiều trạm thu phí đường bộ.
Đó là thị trường trong nước, còn thị trường nước ngoài chi phí logistics cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Chuyên xuất khẩu chuối sang thị trường Hàn Quốc, Singapore, ông Võ Quan Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho hay, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch.
rong đợt dịch Covid-19, chi phí còn tăng gần 50%, do giá vận chuyển tàu biển tăng. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, bộc bạch, hiện nay thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước EU, Mỹ nhưng chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao gấp 3 lần so với giá mua nguyên liệu tại vườn.
Còn nếu vận chuyển bằng đường biển, giá thành rẻ nhưng công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém nên sản phẩm khi lên kệ siêu thị đã giảm chất lượng. Từ đó, các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước nào, doanh nghiệp lựa chọn hãng hàng không của nước đó, do chi phí thấp hơn hãng hàng không trong nước.
Đưa công nghệ vào quản lý
Hiện nay, các xe chở hàng đa phần đều chạy rỗng chiều về sau khi kết thúc chuyến hàng đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vận tải rất muốn liên kết với nhau để giảm chi phí logistics nhưng lại không có thông tin, dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), nhìn nhận, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, ngoài các doanh nghiệp thì kết nối hiệp hội với hiệp hội, hiệp hội với Nhà nước, Nhà nước với doanh nghiệp; kết nối đa phương tiện, cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển.
Theo Bộ Công thương, chi phí logistics cao đã làm nông sản có giá trị nâng cao, thậm chí còn cao hơn chi phí sản xuất, chế biến, kinh doanh… Song do công nghệ bảo quản còn yếu, ngành nông sản cần đầu tư năng lực trong vận chuyển như xe đông lạnh, kho lạnh…
Ngoài ra, các địa phương cũng chưa đồng bộ trong đầu tư hạ tầng, như các tỉnh miền Trung có nhiều cảng nhưng hàng hóa lại ít, còn các tỉnh miền Tây hàng hóa dồi dào nhưng cảng lại ít. Những nguyên nhân này dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại các thị trường tiềm năng. Giải quyết được “nút thắt” này cần có sự chung tay của bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.
Theo VLA, hệ thống đường biển, đường sông rất thuận lợi, chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/10 so với đường bộ, nhưng lại không thu hút vận chuyển, chưa phát huy được lợi thế do chưa có cảng nội địa.
Thiết nghĩ, nhà nước cần quy hoạch các trung tâm logistics vùng và phải có các nhà kho cung cấp dịch vụ chuyên dùng nằm trong vùng trung tâm logistics, để thuận lợi hơn trong công tác phục vụ sản xuất.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), dù công nghệ thông tin kém phát triển hơn các ngành công nghiệp khác, nhưng trình độ lao động công nghệ thông tin cao so với các nước phát triển. Giải quyết bài toán logistics là cần có sàn giao dịch thương mại điện tử. |
Trên nền tảng số chuỗi cung ứng nông nghiệp cho các chủ hàng, nhà sản xuất, công ty dịch vụ logistics, kiểm dịch, các hãng tàu, nhà nhập khẩu đều có thể theo dõi được luồng hàng hóa của mình.
Cùng với đó, quy hoạch logistics theo từng vùng sẽ thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, hình thành các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng, giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó phân phối về các siêu thị, cửa hàng là hết sức quan trọng. Cơ quan chức năng cũng cần tính đến vấn đề quy hoạch đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.