Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, tọa đàm tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, mang tính chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị của TPHCM trong điều kiện mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng, những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị của TPHCM. Cùng với đó là thảo luận kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị; khuyến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị của TPHCM trong bối cảnh phát triển mới.
Tại tọa đàm, TS. Phan Hải Hồ, Trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TPHCM nhận định, TPHCM có nhiều lợi thế, được phân cấp, phân quyền hưởng chính sách cơ chế đặc thù như Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Đây là cơ chế cốt lõi để TPHCM có thể khai thác tốt các nguồn lực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Song, những cơ chế này ở TPHCM cũng tồn tại nhiều bất cập. “TP đặc thù nhưng chưa đặc biệt”, TS. Phan Hồ Hải khẳng định và dẫn chứng, Trung ương cho phép TPHCM chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng không cho cơ chế tăng thu dẫn đến có chi mà không có thu. TPHCM cũng không có khung pháp lý riêng để xây dựng chính quyền đô thị.
Chia sẻ về năng lực cạnh tranh của TPHCM, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nhìn nhận, TPHCM có nhiều điểm mạnh nhưng chưa đủ lực để khai thác, phát triển hết tiềm lực kinh tế; chưa có sản phẩm đặc trưng để cạnh tranh trong nước và quốc tế. Bà Phạm Phương Thảo cũng khẳng định, quản lý đô thị của TP dự báo chưa tốt, có những vấn đề dự báo được nhưng chưa xử lý được. Cùng với đó, áp lực dân số làm chất lượng sống không như mong muốn…
Theo bà Phạm Phương Thảo, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của TPHCM là cơ chế, chính sách để TP phát triển tốt, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm đầu tàu của cả nước. Cùng với đó là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thống nhất với ý kiến của bà Phạm Phương Thảo, các đại biểu còn chỉ thêm, ngoài cơ chế, chính sách, điểm nghẽn của TP còn ở chỗ Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng tại TPHCM chưa đồng bộ, chưa tương xứng với vị trí của TPHCM.
Bàn thêm về liên kết vùng, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, tuy TPHCM phải chủ động nhưng Trung ương cần có cơ chế vùng, tư lệnh vùng, trong đó phân công rõ ràng trách nhiệm của từng tỉnh, thành trong vùng để tạo sự phối hợp, cạnh tranh lành mạnh.
Liên quan đến liên kết vùng, PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM cũng cho rằng, thực tế phát triển các đô thị trong vùng TPHCM thời gian qua đã đi ngược lại quan điểm quy hoạch. Các đô thị như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… hiện nay không phải là các đô thị vệ tinh của TPHCM mà dần trở thành những cực tăng trưởng độc lập, đối trọng với TPHCM. Vốn đầu tư vào những tỉnh lân cận tăng cao, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong khi TPHCM có dấu hiệu chựng lại.
Qua đó, các đại biểu đề xuất Trung ương cần tháo gỡ điểm nghẽn, trao thêm quyền để TPHCM chủ động hơn về bộ máy, nhân sự, và tài chính, nhằm phát triển hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của TPHCM.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá, những tham luận, ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, thẳng thắn, sát sườn các vấn đề được người dân TPHCM quan tâm. Các tham luận đã khái quát hóa, cô đọng, đề cập nhiều đến năng lực cạnh tranh đô thị của TPHCM trong điều kiện mới. Trong đó, các vấn đề được đề cập không mới nhưng đòi hỏi phải có tư duy, cách làm không cũ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề mới như đô thị thông minh, liên kết vùng, quản trị thành phố trong bối cảnh cách mạng 4.0; về tinh giản biên chế, cải cách hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, đạo đức công vụ; cơ chế, chính sách, thể chế, mối quan hệ TP và các tỉnh, thành…