Lượng hàng hóa liên tục tăng
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đã đạt 7,2 triệu tấn.
Tương tự, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, trong điều kiện hết sức khó khăn bởi dịch Covid-19, song hoạt động bốc dỡ hàng hóa, làm việc tại các bến cảng Dung Quất vẫn được duy trì ổn định, năng suất hàng hóa liên tục tăng; 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần trên 3,6 triệu tấn, đạt 67,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh trên 1,1 triệu tấn, nội địa trên 1,6 triệu tấn.
Tại Hà Tĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vũng Áng Cao Đức Thắng cho biết, Formosa đang đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất thép như than, quặng sắt, hợp kim... thông qua 2 cảng Vũng Áng (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng) và cảng Sơn Dương, đã tạo sự nhộn nhịp ở cảng nước sâu này.
Tại cảng Cửa Lò, Nghệ An, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Cửa Lò Yên Văn Phúc cho biết, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 2,350 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ.
Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình Nguyễn Đức Tùng, cảng nước sâu Hòn La là nơi tiếp nhận hàng phục vụ dự án điện gió tại Quảng Bình và loạt dự án ở tỉnh Quảng Trị, nên năng lực tiếp nhận hàng tăng 112% so với cùng kỳ. “Chúng tôi vừa triển khai phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo bốc dỡ hàng hóa an toàn”, ông Tùng cho biết.
Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp
Tuy nhiên, sự sôi động đặt ra bài toán nâng cấp, mở rộng đối với các cảng biển miền Trung. Khu vực cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) có quy hoạch đến 14 bến cảng, hiện có 8/14 bến đang khai thác. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cảng Dung Quất trở thành khu bến cảng tổng hợp, container; nâng năng lực đón tàu tại các bến cảng, cầu cảng lên 50.000 tấn với tàu container có sức chở đến 4.000TEU (1TEU = container).
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho rằng, hiện nhu cầu bốc dỡ hàng hóa, vận tải biển của các doanh nghiệp đang tăng cao, trong khi cảng biển và các bến cảng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa được nâng cấp nên quá tải.
Đối với Bình Định, UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung thêm cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ và quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam (2021-2030). Dự kiến, cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn có diện tích khoảng trên 340ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng, với 14 bến cảng từ 50.000-250.000 tấn; năng lực bốc xếp hàng khoảng 29,5 triệu tấn.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương xây dựng cảng tổng hợp Hoàng Long trên diện tích 16,8ha tại khu vực Bắc cảng Hòn La, xây dựng cảng tổng hợp Đạt Phước Vi gần khu vực này. Cùng đó, dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, II cũng đang lên kế hoạch xây dựng tại Mũi Độc, Hòn La; trong đó bao gồm cảng chuyên dụng bốc dỡ than đá từ tàu biển siêu lớn, nhằm phục vụ phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa đang có 21 bến hoạt động, trong đó, Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa thuộc hệ thống cảng Nghi Sơn đã tiếp nhận thành công tàu có trọng tải lên đến 70.000DWT. Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 5-8-2020) về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu mục tiêu hoàn chỉnh cảng Nghi Sơn thành cảng 1A, góp phần đưa Thanh Hóa thành một trong những trọng điểm về vận tải cảng biển của cả nước.
Với hệ thống cảng biển miền Trung ngày càng nhộn nhịp và được mở rộng bài bản, sẽ tạo đà tăng trưởng qua cú hích hàng hóa thông quan ở khu vực này.