Thực tế, do chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu sự cảnh giác nên nhiều sinh viên hiện nay đang là “con mồi” béo bở của tội phạm công nghệ cao, có không ít sinh viên vì nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy của những đối tượng xấu. Vì vậy, việc nhận diện một số phương thức, thủ đoạn ban đầu, cách thức xử lý khi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này đối với sinh viên là vô cùng cần thiết.
Theo báo cáo của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong năm 2023, hiệp hội ghi nhận hơn 69.000 khiếu nại liên quan đến lừa đảo tài sản mã hóa, với thiệt hại lên đến 5,6 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2022. Đặc biệt, mô hình lừa đảo đầu tư (Pig Butchering) chiếm tới 71% tổng thiệt hại, tương đương 3,96 tỷ USD. Đây là một mô hình lừa đảo tinh vi, gây dựng lòng tin với nạn nhân qua mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò, sau đó dụ dỗ đầu tư vào các nền tảng tài chính giả mạo. Khi nạn nhân đầu tư số tiền lớn, kẻ lừa đảo sẽ biến mất cùng toàn bộ tài sản. Trong đó, công nghệ deepfake đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho tội phạm, giả mạo danh tính một cách thuyết phục, khiến nạn nhân dễ dàng bị lừa.
“Tháng 5-2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã phát triển giải pháp ChainTracer nhằm phát hiện, truy vết và phân tích các giao dịch tài sản mã hóa đáng ngờ. Kể từ khi ra mắt, ChainTracer đã hỗ trợ thu hồi hơn 2 triệu USD từ các vụ lừa đảo tại Việt Nam. ChainTracer không chỉ giúp phát hiện sớm các hành vi gian lận mà còn tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, góp phần bảo vệ người dùng và xây dựng hệ sinh thái Blockchain an toàn hơn”, ông Trần Huyền Dinh, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ đến các bạn sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Như Trang, đại diện Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC Việt Nam) cho biết, bằng những thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Hiện nay, có 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) công bố như: Trúng thưởng online, giả mạo cán bộ thuế, cán bộ công an, đầu tư tài sản số, deepfake (video giả mạo gương mặt, giọng nói)…
Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản cho người dân, tầng lớp sinh viên được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn nạn lừa đảo trực tuyến.
Trong khuôn khổ chương trình, Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII) đã trao tặng 30 suất học bổng MasterTeck cho các sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, bao gồm hơn 300 khóa học chuyên sâu về Blockchain và AI, nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong thời đại số.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, nhà trường không chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức chuyên môn mà còn rất chú trọng trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự bảo vệ thông tin cá nhân và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Thông qua buổi tập huấn, hy vọng sẽ cung cấp kiến thức, bức tranh toàn diện về an toàn an ninh mạng trước tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng, giúp các em sinh viên vững vàng hội nhập trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay.
Chương trình tập huấn là sự kiện nằm trong chuỗi ABAII Unitour, do Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) triển khai từ tháng 3-2024. Đây là một trong số những dự án xã hội nhằm phổ cập Blockchain, AI, giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động trẻ, tối ưu quy trình cho doanh nghiệp, phát triển thị trường công nghệ bền vững, lành mạnh. Một số dự án nổi bật đang thực hiện như: Nền tảng học trực tuyến Blockchain và AI (MasterTeck); trợ lý pháp lý miễn phí (AI tra cứu luật); truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer; hội thảo chuyên sâu về Fintech, tài sản thực được token hóa (RWA),…