Tham dự có các chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ cùng hơn 200 nữ công nhân, lao động đang sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận 6. Hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về sức khỏe - tình yêu - hôn nhân và gia đình trong nữ công nhân, lao động nhập cư tại TPHCM.
Tại buổi tọa đàm, nữ công nhân, lao động được nghe các khách mời là bác sĩ Nguyễn Lan Hải, giảng viên của Học viện Thần học Thánh Tô-ma và một số Học viện Thần học nữ trên toàn quốc; luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ những kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm lý, tâm thần của trẻ trong mùa dịch.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, trong mùa dịch vừa qua, số điện thoại đường đây nóng tổng đài 18009069 của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM liên tục nhận được các cuộc cầu cứu của trẻ em. Theo đó, trẻ không chỉ bị bạo lực thể xác, tinh thần, mà có trẻ còn bị xâm hại tình dục ngay khi ở nhà.
Tại chương trình, nhiều nữ công nhân cũng chia sẻ cách mình chăm sóc con an toàn trong mùa dịch. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cha mẹ cần quan tâm để chăm sóc con tốt hơn trong và sau mùa dịch. Ngoài việc thực hiện tốt nguyên tắc 5K, cha mẹ cũng cần phải quan tâm để bảo vệ con tránh bị xâm hại ngay trong gia đình.
Bác sĩ Lan Hải khuyên các bà mẹ hãy là người bạn tin cậy của con mình để từ đó lắng nghe tâm tư, tình cảm của con và cùng con giải quyết các vấn đề khúc mắc.
Theo số liệu của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc UN WOMEN, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình đã tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, trong thời điểm dịch Covid-19 có đến 21 triệu trẻ em không đến trường và phải cách ly ở nhà. Điều này tác động trực tiếp đến việc chăm sóc, bảo vệ sự an toàn cho trẻ em. Thậm chí nhiều trẻ trở thành nạn nhân, bị bạo lưc bởi chính cha mẹ mình.