Để thúc đẩy tiêu thụ cho hàng Việt, nhiều địa phương tại phía Nam đang đổi mới phương thức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, trợ giúp doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận hàng Việt với giá tốt, giảm áp lực chi tiêu.
Tại Cần Thơ - trung tâm của vùng ĐBSCL, theo khảo sát của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ, tới nay, hàng Việt đã phủ sóng 99% các kênh phân phối trên địa bàn. Năm 2020, Ban chỉ đạo sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện trong các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, DN và các tầng lớp nhân dân nâng cao tỷ lệ người tiêu dùng và DN biết đến cuộc vận động. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam.
Đáng chú ý, Cần Thơ sẽ tổ chức giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam tiêu biểu; đồng thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, việc thực hiện tiêu thụ hàng Việt sẽ được giám sát nhằm tránh tình trạng lợi dụng uy tín hàng Việt (như dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài) để tiêu thụ.
Các địa phương khác như Đồng Tháp, Long An, Bình Dương hay Đồng Nai cũng đều có những phương thức thực hiện khác nhau để hàng Việt tiêu thụ rộng rãi. Trong đó, ở Bình Dương, hiện nay 100% hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đều hưởng ứng chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn và chương trình Tự hào hàng Việt. Với tỉnh Đồng Nai, hiện hàng Việt chiếm tỷ trọng 80% - 90% trên các kệ hàng và nhiều sản phẩm hàng Việt đã có cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa, thời trang...
Đa dạng hoạt động
Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được dự báo sẽ khiến hàng Việt phải cạnh tranh nhiều hơn. Bởi lẽ, theo đánh giá của người tiêu dùng, tuy hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định nhưng để trụ vững trước “cơn sóng” hàng ngoại nhập, các DN Việt cần tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, làm mới mình. Đồng thời, DN trong nước cần thắt chặt việc kiểm soát chất lượng, cũng như hệ thống phân phối sản phẩm thuận tiện cho người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh đó, cuộc vận động tiêu dùng hàng Việt năm 2020 được các địa phương thực hiện đa dạng hơn. Đơn cử, Cần Thơ sẽ thực hiện công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, DN Việt Nam trên địa bàn thành phố như: Tổ chức các chương trình nhận diện hàng Việt Nam, bảo vệ hàng Việt Nam trên phạm vi toàn thành phố; tổ chức thí điểm các điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao tại một số chợ truyền thống; tổ chức thường niên các phiên chợ hàng Việt về vùng ngoại thành, khu dân cư, khu công nghiệp…
Với TPHCM, cuộc vận động đã được lồng ghép theo một cách rất mới. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-6 vừa qua, Sở Công thương đã phát động chương trình “60 ngày vàng khuyến mại”. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết điểm mới của chương trình năm nay là DN tham gia có thể tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng, với hạn mức giảm giá tối đa lên tới 100%. Và, các siêu thị, trung tâm thương mại, trang thương mại điện tử lớn trên địa bàn đều cam kết tham gia chương trình này để gia tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thêm điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa chất lượng, giá phù hợp.
Còn tại Bình Dương, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngoài khuyến khích DN trên địa bàn thực hiện khuyến mãi kích cầu thì Sở Công thương tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khoảng 10 phiên chợ, hội chợ hàng Việt tới các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa trên địa bàn.
Dù vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng hiệu quả, cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới, để tạo điều kiện cho hàng Việt tiêu thụ thuận lợi. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng tới công tác truyền thông từ DN, đảm bảo tính ngắn gọn, hiệu quả và thông điệp mang tính gần gũi. Có như thế mới thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn, và cũng là cách giúp DN khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa.
Thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công thương tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ bằng nhiều hình thức, trở thành hành động trong mọi tầng lớp nhà sản xuất, người tiêu dùng. Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart 90% - 93%, Satra 90% - 95%, Vissan 95%, Vinmart 63% theo mã hàng… |