Trồng lúa không hiệu quả
Trong vài năm trở lại đây, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa trên địa bàn TPHCM diễn ra rất nhanh, đồng nghĩa với việc đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần, trong đó có đất trồng lúa. TPHCM đã có chủ trương giảm đất trồng lúa tại Nghị quyết số 80/2018 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020). Theo đó, diện tích đất trồng lúa năm 2015 trên địa bàn thành phố là 18.675ha, giảm 8.919ha so với năm 2010 và đến năm 2020 chỉ còn 3.000ha đất chuyên trồng lúa.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, thu nhập từ 1ha trồng lúa trên địa bàn thành phố thấp hơn nhiều so với các cây màu khác (như bắp giống) và thấp hơn rất nhiều lần so với trồng các loại rau, hoa. Thống kê cho thấy, tính bình quân, hoa cây cảnh đem lại lợi nhuận cao nhất - 1.427 triệu đồng/ha, đứng thứ 2 là nuôi cá cảnh - 485 triệu đồng/ha, thấp nhất là sản xuất lúa - 59 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa mang lại giá trị thấp nhất trong các loại hình sản xuất, thấp hơn từ 2 - 4 lần so với 1ha rau và 1ha trồng cỏ, từ 25 - 35 lần so với 1ha trồng hoa nền và hoa lan, từ 1,5 - 5 lần so với 1ha cây ăn quả.
Do đó, nếu chỉ chuyên trồng lúa sẽ khó có cơ hội cho các loại hình sử dụng đất nông nghiệp khác có hiệu quả cao hơn cây lúa phát triển (đặc biệt là các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực), nên không thể bảo đảm mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
Cùng với đó, TPHCM không giống như các tỉnh ở ĐBSCL - là “thủ phủ của cây lúa”, mà là nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn đối với ngành hàng rau, hoa, cây cảnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thị trường tiêu thụ khá lớn. Hơn nữa đây là ngành hàng truyền thống của nông nghiệp thành phố, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Giảm dần diện tích đất trồng lúa
Để đảm bảo mục tiêu về nâng cao thu nhập của người nông dân, thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cần thiết phải tiến hành lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Theo Sở NN-PTNT, căn cứ đặc thù của từng vùng sinh thái (ngọt ven sông, mặn ven biển, lợ, thấp trũng, vùng phèn...), TPHCM sẽ xem xét và có lộ trình chuyển đổi đất lúa không những cho việc trồng các loại cây, mà còn cho cả các đối tượng là vật nuôi chủ lực và nuôi trồng thủy sản, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Diện tích sản xuất lúa thực tế điều tra năm 2018 là 11.732ha, giảm 6.125ha so với thống kê đất đai năm 2017 (17.857ha). Theo “Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại TPHCM đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa trình UBND TPHCM, Sở NN-PTNT đưa ra phương án để đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa còn 3.000ha, chuyển 8.732ha cho các mục đích khác.
Trong đó, tại huyện Củ Chi 2.650ha, bố trí sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn 12 xã; huyện Bình Chánh 350ha, toàn bộ được sản xuất lúa chất lượng cao và tập trung ở xã Tân Nhựt. Đến năm 2025, xây dựng 2 phương án chuyển đổi: Phương án 1, diện tích sản xuất lúa còn 1.000ha; Phương án 2, không còn sản xuất lúa.
Những năm qua, các quận huyện trên địa bàn TPHCM đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chuyển đổi lúa sang sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã Thỏ Việt; chuyển đổi lúa sang sản xuất hoa lan tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi)... |
Để chuyển đổi mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quy hoạch vùng chuyển đổi, cơ giới hóa, nghiên cứu - chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi.