Theo GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, năm 2024, cả nước kỷ niệm 55 năm Ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động trên khắp cả nước đã được tổ chức nhằm tưởng nhớ Người và lời dạy của Người trước lúc đi xa, cũng là dịp để báo cáo với Người về kết quả đã thực hiện trong 55 năm qua.
"Đây cũng là dịp chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện hơn vai trò của con người trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công dân tốt, cán bộ tốt, người lao động tốt và thực hiện tư tưởng của Người về vấn đề này ở mọi lĩnh vực công tác", Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu rõ.
Hiện nay, cả nước đang triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 9-6-2014) của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời thực hiện Kết luận số 91/KL-TW (ngày 12-8-2024) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4-11-2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trong bối cảnh đó, hội thảo đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý, nhà giáo trong quá trình vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xây dựng mục tiêu, phương pháp và chương trình giáo dục đào tạo ở từng cấp học, ngành học nhằm có sản phẩm đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Các ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường xây dựng tốt hơn kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động ở cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp nhằm có đội ngũ người lao động “hồng thắm, chuyên sâu” theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu phục vụ đất nước trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long bày tỏ, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tiếp thu tri thức mà còn là nỗ lực trở thành những người công dân gương mẫu, những cán bộ liêm chính, có đạo đức, có tầm nhìn và tinh thần cống hiến, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Trong đó, việc xây dựng các mô hình học tập với mục tiêu lấy tự học làm cốt lõi, phát huy năng lực của mỗi cá nhân, phấn đấu để trở thành những cán bộ tốt, công dân tốt có ý nghĩa quan trọng trong cuộc vận động cả nước xây dựng xã hội học tập, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
"Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nói riêng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nói chung, tiếp tục phối hợp với hội khuyến học các cấp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời.
Trong đó, mỗi cán bộ, công chức, người dân cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để không ngừng phấn đấu trở thành cán bộ tốt, công dân tốt", Phó Thủ tướng phát biểu.