7 tháng năm 2017, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang khiến thời tiết ngày càng cực đoan và khó lường hơn. Ông Lê Thanh Hải (ảnh), Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong khi các tỉnh miền Trung vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, thì một số tỉnh Tây Bắc đang phải gồng mình khắc phục hậu quả của lũ ống, lũ quét. Theo ông, những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế đã được dự báo chính xác và kịp thời chưa?
Ông LÊ THANH HẢI: Khả năng dự báo thời tiết, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại hiện tượng thời tiết, hệ thống trang thiết bị quan trắc, khả năng, trình độ cán bộ làm công tác dự báo… Chẳng hạn, hạn hán, xâm nhập mặn thì có thể dự báo trước đến 5-6 tháng. Nhưng bão, lũ chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước 2-3 ngày, thậm chí nếu lũ quét và sạt lở đất như vừa xảy ra ở Yên Bái và Sơn La thì chỉ báo trước được 6-12 tiếng. Giông, lốc lớn xảy ra ở Hà Nội ngày 13-5 vừa qua chỉ có thể dự báo trước được từ 20-30 phút. Dự báo càng xa thì độ tin cậy càng thấp. Tôi cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan như vừa qua đã được dự báo với thời gian và độ tin cậy chấp nhận được.
BĐKH đang khiến thời tiết diễn biến không theo quy luật chúng ta đã biết và có xu hướng ngày càng cực đoan hơn. Trong bối cảnh đó, ngành khí tượng thuỷ văn đã có những bước đi như thế nào để đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội?
Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) ban hành năm 2015, có hiệu lực từ tháng 1-2016, đã tác động đến tất cả các khâu trong hoạt động KTTV như hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin liên lạc…, hướng đến mục tiêu kịp thời thông tin ở tất cả các cấp để dự báo sớm nhất có thể, với mức độ sai số cho phép. Nói cách khác, mục đích là giám sát mọi khâu trong toàn bộ quá trình quan trắc, phân tích số liệu, dự báo và truyền phát tin. Nhưng cũng cần thấy rằng đòi hỏi của xã hội đối với chất lượng dự báo càng ngày càng tăng, thậm chí tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng của chúng tôi.
Không chỉ có BĐKH, mà các hoạt động kinh tế gia tăng, cộng với quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư cũng tạo ra thách thức mới. Chẳng hạn, năm 2015 đã xảy ra hiện tượng sạt lở rất lớn ở thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Sơn La. Nguyên nhân là người dân đã tự phát chặn suối lại để nuôi cá, tạo thành một chuỗi hồ - đập nhân tạo. Khi lũ về, đập ở thượng nguồn bị vỡ đã gây ra hiệu ứng domino, kết quả là thiệt hại rất lớn. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cảnh báo, dự báo chỉ là một khâu trong toàn bộ chuỗi ứng phó với những rủi ro thời tiết, thiên tai; bắt đầu từ quy hoạch, chuẩn bị nhân lực, vật lực và xây dựng các kịch bản ứng phó khi xảy ra thiên tai…
Là người đi thực tế nhiều địa phương và tham gia các hoạt động ứng phó với thiên tai, ông có nhận xét gì về công tác quy hoạch đô thị, nông thôn để thích ứng với BĐKH?
Đây không phải lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng trong những chuyến đi công tác, tôi nhận thấy ở nhiều nơi, quy hoạch sử dụng đất là chưa phù hợp. Trong khi BĐKH làm cho các hiện tượng thời tiết hiếm gặp ngày càng nhiều, rủi ro thiên tai ngày càng lớn thì ở những khu vực rủi ro cao vẫn có dân cư sinh sống và sản xuất. Xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo rủi ro riêng cho khu vực như vậy có khi chỉ bao gồm trên dưới một chục hộ gia đình với 5-7 nóc nhà - có thể tốn kém hàng chục tỷ đồng là không khả thi và tốn kém hơn nhiều so với việc di dời, tái định cư cho người dân ở những khu vực an toàn.
Còn việc chuẩn bị, tổ chức ứng phó với thiên tai thì sao?
Như tôi đã nói, dự báo chỉ là một khâu trong toàn bộ chuỗi hành động ứng phó với thiên tai. Tôi thấy có thực tế là ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở như xã, phường, thị trấn, cán bộ phụ trách công tác truyền tin cảnh báo thiên tai, sơ tán dân… lại thường thay đổi, không được chuyên môn hóa. Sau khi tổ chức tập huấn, một thời gian sau quay lại thì thường đã là người khác đảm nhiệm rồi; trong khi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác này là yêu cầu rất quan trọng. Làm việc với Ngân hàng Thế giới, chúng tôi được biết Ấn Độ có kinh nghiệm rất tốt trong lĩnh vực này, nhờ vậy mà hiệu quả phòng, chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai của họ rất tốt.
Một nhận xét khác từ thực tế quan sát của tôi là trong trận bão số 1 vừa rồi, có khá nhiều tàu thuyền đã được đưa vào bờ để tránh bão, nhưng do neo đậu không đúng cách nên tự va đập vào nhau hư hại rất nhiều. Nói thế để thấy rằng mọi khâu trong chuỗi, từ dự báo cho đến tổ chức triển khai, ứng phó đều cần được chú trọng hoàn thiện thì mới nâng cao được hiệu quả phòng, chống thiên tai.
Ông có lưu ý gì về tình hình thời tiết cực đoan trong thời gian tới?
Theo những thông tin chúng tôi có được, từ nay đến hết mùa mưa bão, Việt Nam sẽ còn phải chịu ảnh hưởng của 5 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; trong đó có 2 - 3 cơn đổ bộ vào Việt Nam. Ở Tây Nam bộ hiện nay đã có lũ sớm và lũ chính vụ năm nay dự kiến sẽ lớn hơn 3 năm gần đây, lên đến báo động 2 - 3 tại Tân Châu và Châu Đốc. Mùa lũ bắt đầu sớm và kết thúc muộn. Xa hơn, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2017 - 2018 sẽ không gay gắt và không đáng ngại lắm.
Cảm ơn ông!