Nhiều bất cập
Thống kê của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM cho thấy, từ tháng 9-2013 đến 30-6-2017, qua 105 kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp chứng chỉ VNU-ETP (chuẩn tiếng Anh của ĐHQG TPHCM) cho hơn 20.000 sinh viên nhưng chỉ có 10% - 15% sinh viên đạt chuẩn. Đối với hệ sau ĐH, tỷ lệ học viên cao học chưa đáp ứng chuẩn trình độ tiếng Anh để tốt nghiệp có xu hướng tăng dần theo các khóa, năm 2013 là 41% và năm 2015 là 50,8%.
Nhìn thẳng vào thực trạng trên, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng: ĐHQG TPHCM có tới 60.000 sinh viên, nếu học theo đúng chuẩn thì mỗi lớp tiếng Anh 20 sinh viên và sẽ có 3.000 lớp học/năm. Đây là thách thức rất lớn. Đó là chưa nói đến hàng loạt những vấn đề khác như thiếu giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, thiếu tính đổi mới; giáo trình và tài liệu chuẩn cũng thiếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy không theo kịp; việc đánh giá theo chuẩn quốc tế hay chuẩn của ĐHQG TPHCM cũng còn nhiều vấn đề lấn cấn…
Th.S Nguyễn Lê Tú Trâm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), cho biết, tiếng Anh là một trong những yêu cầu bắt buộc để tuyển dụng của các cơ quan và doanh nghiệp. Thế nhưng, tiêu chí đánh giá tiếng Anh giữa nhà trường và doanh nghiệp có độ lệch nhất định. Theo số liệu công bố mới đây của jobstreet.com, chỉ có 5% sinh viên mới ra trường tự tin về khả năng tiếng Anh, 27% thừa nhận khả năng tiếng Anh kém. Với cách thức tổ chức đào tạo như hiện nay (thời lượng dạy và học ít, sĩ số lớp đông, thiếu môi trường thực hành giao tiếp…) nên đa số sinh viên không đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường ĐH.
Một kết quả đáng lưu ý nữa là nền tảng tiếng Anh đầu vào của sinh viên khá thấp và không đồng đều. Kết quả thi THPT quốc gia 2018 có 814.779 thí sinh dự thi nhưng có đến 637.335 thí sinh có điểm dưới 5, chiếm 78,22%.
Đổi mới giảng dạy
PGS-TS Vũ Hải Quân nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, việc học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, được xem là công cụ, kỹ năng bắt buộc phải có và phải thuần thục. Do đó, việc học tiếng Anh không chỉ để giao tiếp mà còn để học, đó là học thêm về chuyên môn, văn hóa, về lịch sử và con người để nâng cao hiểu biết. Vì vậy, ĐHQG TPHCM đang rất cần một “kiến trúc sư” trưởng để thiết kế chương trình, giáo trình chuẩn trong đào tạo tiếng Anh.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội…, việc tận dụng triệt để và sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả việc dạy tiếng Anh là điều cần thiết. Các phương pháp giảng dạy mới như dạy kết hợp, dạy trực tuyến, học trực tuyến… đều mở ra những “cánh cửa” mới, giải quyết được những thách thức hiện nay. Khi tận dụng công nghệ vào giảng dạy còn giải quyết những yêu cầu về mặt sĩ số lớp học, sinh viên hoàn toàn có thể học ở nhà hay bất cứ đâu mà không phải đến trường, lớp. Đồng thời, giải quyết được vấn đề chất lượng, khi sử dụng công nghệ có thể kế thừa các bài giảng từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, muốn giải quyết được bài toán hạn chế năng lực tiếng Anh cho sinh viên thì bắt buộc phải có hệ thống chương trình tiếng Anh đúng chuẩn (từ chương trình đào tạo cho đến phương pháp đánh giá, đội ngũ giảng viên) cho toàn hệ thống.
Theo ông David Persey, thuộc tổ chức National Geographic Learing, việc sử dụng công nghệ để đảm bảo sự cân bằng trong việc dạy và học tiếng Anh cho phép người học trở nên độc lập hơn và giáo viên đảm nhận vai trò mới với tư cách là người hướng dẫn. Với thực tế của Việt Nam, ông cho rằng nên kết hợp các mô hình và phương pháp giảng dạy để cải thiện kết quả đầu ra tiếng Anh cho người học.