Quy định nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, góp phần đảm bảo ổn định an ninh, trật tự chung trên địa bàn.
Đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy tốt việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể, giải quyết bước đầu những cuộc đình công, tập trung đông người lao động; đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Công tác phối hợp giải quyết các cuộc đình công bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, đồng thời góp phần ổn định an ninh, trật tự chung trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được giao chủ trì, chỉ đạo thành lập tổ công tác giải quyết bước đầu các tranh chấp lao động tập thể, cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động (Tổ công tác) xảy ra ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý.
Tổ công tác có nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, tập trung đông người lao động. Đồng thời, hướng dẫn, giải thích và yêu cầu các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động.
Khuyến nghị các phương án giải quyết để giúp các bên tranh chấp lao động tiến hành thương lượng, thỏa thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình giải quyết, trường hợp phát hiện một trong các bên tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật thì Tổ trưởng Tổ công tác lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.