Hôm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị định này. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đây là hội nghị đầu tiên của ngành giáo dục trong năm mới 2020, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tự chủ đại học. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT về các nội dung đáng chú ý.
*PHÓNG VIÊN: Thưa bà, việc phát triển trường đại học thành đại học được quy định ra sao?
*BÀ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Với việc phát triển trường đại học thành đại học, Nghị định nêu rõ điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học gồm: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH; có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Còn điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học, gồm: có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình đồng thuận liên kết; đã thống nhất dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
*Thủ tục thành lập hội đồng trường của cơ sở GDĐH được tiến hành như thế nào?
*BÀ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Đối với cơ sở GDĐH công lập, để thực hiện quyền tự chủ, các cơ sở GDĐH phải có hội đồng trường. Theo quy định của Nghị định, cơ sở GDĐH công lập mới thành lập thì cơ quan quản lý trực tiếp phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường lâm thời trước khi trường đề nghị cho phép hoạt động. Hội đồng trường lâm thời hoạt động tối đa 12 tháng; trong thời gian đó phải thành lập hội đồng trường theo đúng quy định, quyết định nhân sự hiệu trưởng và các chức danh khác theo quy định.
Đối với cơ sở GDĐH công lập chưa có hội đồng trường, tập thể lãnh đạo trường chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học. Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường; thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường; chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường và đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công nhận hội đồng trường. Đối với cơ sở GDĐH đã có hội đồng trường nhưng chưa đúng Luật, nhiệm kỳ của hội đồng trường còn trên 6 tháng thì tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo đúng Luật và Nghị định.
*Một trong vấn đề cối lõi của Luật GDĐH, đó là quyền tự chủ của cơ sở GDĐH. Vậy Nghị định đã làm rõ vấn đề này ra sao?
*BÀ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Một trong các chính sách lớn của Luật GDĐH là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Trên cơ sở đó, Nghị định đã hướng dẫn quyền tự chủ đại học về các lĩnh vực. Trước hết về hoạt động chuyên môn. Nghị định nêu rõ cơ sở GDĐH được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với quy định về Khung trình độ quốc gia Việt Nam, về chuẩn chương trình đào tạo.
Cơ sở GDĐH cũng được thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết định đào tạo từ xa, liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học với cơ sở giáo dục trong nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; quyết định hoạt động khoa học và công nghệ; quyết định các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.
Về mở ngành đào tạo và liên kết đào tạo với nước ngoài, các trường đại học đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ thì được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.
Các đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo thuộc đại học khi đáp ứng điều kiện quy định. Các trường đại học thành viên của đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài khi đáp ứng điều kiện theo quy định và phù hợp với quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
Về quyền tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự, Nghị định quy định cơ sở GDĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật GDĐH và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. GDĐH có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với quyền tự chủ về tài chính và tài sản, cơ sở GDĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật GDĐH và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định cũng quy định rõ về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Tự chủ rồi, nhưng trách nhiệm giải trình của các GDĐH thì sao?
*BÀ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Nghị định đã quy định cơ sở GDĐH phải thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu về chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ và cam kết của cơ sở GDĐH.
Theo đó, các trường phải thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH các quy chế, quy định nội bộ; danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác; kết quả kiểm định, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; đề án tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 12 tháng tốt nghiệp.
Công khai mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ hằng năm; chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng; quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với chứng minh đủ điều kiện theo quy định. GDĐH phải gửi thông báo, quyết định tới Bộ GD-ĐT trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày thông báo hoặc ra quyết định; thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của nhà trường lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH..
*Hệ thống văn bằng GDĐH là vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua, Nghị định quy định điều này thế nào, thưa bà?
*BÀ NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Nghị định đã quy định hệ thống văn bằng GDĐH (bằng Cử nhân, bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ) và văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu theo đặc thù của từng lĩnh vực nghề nghiệp.