Trong đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ ưu tiên những lĩnh vực như cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất, hóa dược - cao su, nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm - ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TPHCM) cho biết như trên tại chương trình “Giới thiệu chính sách nâng cao năng lực của phòng thí nghiệm - phòng thử nghiệm trên địa bàn TPHCM” vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức mới đây.
Vận hành thiết bị tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (Đại học Bách khoa TPHCM)
Chưa đáp ứng nhu cầu
Đánh giá về ưu điểm của các PTN, ông Phạm Văn Xu, cho biết: Các PTN được đầu tư trang thiết bị hiện đại, trình độ nguồn nhân lực được đào tạo trong và ngoài nước. Được áp dụng các hệ thống quản lý theo chuẩn mực quốc tế; chất lượng phân tích, thử nghiệm đạt kết quả cao...
Kết quả trên nhờ trong những năm qua, TP đã có những chính sách nhằm nâng cao năng lực của PTN, như hỗ trợ nghiên cứu khoa học (ưu tiên các lĩnh vực cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất, hóa dược - cao su, nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm); hỗ trợ đào tạo nhân lực KH-CN trình độ chuyên môn cao theo hình thức chuyên sâu, hoặc chuyên sâu kết hợp thực tập ở nước ngoài; hỗ trợ hoạt động hợp tác, kết nối…
Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận một số vấn đề còn hạn chế với các PTN như: thiết bị chưa đồng bộ, thiếu chuyên sâu; hệ số sử dụng chưa cao (trong đó có việc thiếu chuyên gia, chưa có sự liên kết sử dụng chung thiết bị). Một số PTN năng lực còn hạn chế, chưa chủ động, chưa gắn với thị trường. Việc thường xuyên cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của PTN còn chưa cao. Vì thế, những chính sách mới của TPHCM nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực PTN cũng như giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện hỗ trợ cho loại hình hoạt động này là hết sức quan trọng.
Nhiều chính sách hỗ trợ mới
Theo ông Phạm Văn Xu trong thời gian tới, TPHCM sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho các nghiên cứu khoa học do TP đặt hàng, các công trình có sản phẩm cụ thể và chứng minh được hiệu quả. Còn riêng với các PTN tư nhân, nếu có hoạt động nghiên cứu phục vụ xã hội sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí. Các PTN còn được hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng như nghiên cứu công nghệ, sản phẩm hướng đến ứng dụng trực tiếp, giải mã công nghệ hay nội địa hóa sản phẩm.
Trong chương trình này, TP sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo, xây dựng hệ thống tài liệu, mở rộng phạm vi với mức hỗ trợ không quá 70 triệu đồng/năm cho PTN đáp ứng các yêu cầu trong quy định tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025, và lên đến 250 triệu đồng/năm cho một PTN đạt tiêu chuẩn quốc tế TCVN ISO/IEC 17025 trong cả giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức các hội thảo khoa học, hội thảo quốc tế (ưu tiên phục vụ các ngành trọng điểm của TPHCM, tối đa 30% tổng kinh phí, nhưng không quá 150 triệu đồng).
Ngoài nội dung hỗ trợ về nghiên cứu khoa học, chương trình này còn hỗ trợ PTN trong các hoạt động đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, hội thảo khoa học tầm quốc tế, thực hiện đánh giá sự phù hợp. Cụ thể, các cán bộ khoa học tại các PTN sẽ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đào tạo chuyên sâu, hoặc đào tạo chuyên sâu kết hợp thực tập tại nước ngoài. Thời gian đào tạo không quá 12 tháng. Những chính sách mới còn hỗ trợ PTN tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm hàng hóa trọng điểm của TP (như cơ khí, chế biến tinh lương thực…), 2 ngành công nghiệp truyền thống là dệt may, da giày và một số ngành dịch vụ khác trên địa bàn, đại diện Sở KH-CN cho biết.
Một số ý kiến cho rằng những PTN hoạt động hiệu quả cần được tập trung tăng kinh phí hoạt động thường xuyên, bảo đảm vận hành tốt các trang thiết bị và mua mới phục vụ cho nghiên cứu; tăng cường giao đề tài theo cơ chế đặt hàng, nghiệm thu đến kết quả cuối cùng. Để PTN hoạt động hiệu quả cần 3 yếu tố: nhân lực, thiết bị nghiên cứu và kinh phí. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất để có thể tạo ra các ý tưởng và xây dựng đề cương nghiên cứu, sử dụng các thiết bị tại PTN có hiệu quả nhất.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, các đơn vị có thể đưa ra những đề xuất hỗ trợ cũng như góp ý dựa trên hiện trạng và năng lực hiện có của mình để nâng cao hiệu quả hoạt động của các PTN. Những ý kiến của các đơn vị sẽ được sở tổng hợp và đề xuất lên UBND TPHCM, qua đó mang đến những cơ chế hoạt động thiết thực.
Toàn TPHCM hiện có một mạng lưới rất nhiều các phòng, cơ sở thí nghiệm của Nhà nước và tư nhân, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Theo khảo sát năm 2003 của Hội Các phòng thí nghiệm TPHCM (Vinatest), có khoảng 400 phòng thí nghiệm - phòng thử nghiệm (gọi chung là PTN) thuộc 17 lĩnh vực thử nghiệm. Đến năm 2008 đã khảo sát, bổ sung, làm rõ 300/400 PTN này trên một số lĩnh vực: cơ khí, điện - điện tử, hóa, sinh học, đo lường - hiệu chuẩn...
Số lượng PTN được Bộ KH-CN công nhận vilas ISO/IEC 17025 là 146 PTN. Hiện trên website của Sở KH-CN TPHCM đã có thông tin của 125 PTN với đầy đủ chức năng, lĩnh vực hoạt động, cũng như đang cập nhật cơ sở dữ liệu về các chuyên gia nhằm thuận tiện trong việc kết nối, mời gọi hợp tác, giảng dạy...