Giáo dục đạo đức, lối sống cần trực quan
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, thời gian qua vẫn còn một bộ phận thanh thiếu nhi có biểu hiện lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường. Đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương như học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên. Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không can ngăn mà còn quay video đưa lên mạng như là một sự cổ súy cho hành vi bạo lực. Học sinh, sinh viên Việt Nam được đào tạo lý thuyết tốt, nhưng thiếu kỹ năng mềm, thiếu tinh thần làm việc tác phong công nghiệp, làm theo nhóm…
Những năm gần đầy, ngành giáo dục đã chỉ đạo tăng cường công tác “dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Hành lang pháp lý để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đến nay có thể nói là đã cơ bản đầy đủ. Vấn đề là thực hiện ở các cơ sở phải được chú trọng, đa dạng cách thức triển khai.
Từ thực tế của cơ sở giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, rất nhiều giờ sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn tại Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành có chủ đề về giá trị sống như trung thực, khiêm tốn, tôn trọng, trách nhiệm, đoàn kết, khoan dung…
Chương trình “chào cờ” do học sinh xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức tổ chức dưới sự cố vấn của giáo viên chủ nhiệm. Những bài học về đạo đức, lối sống không còn khô khan mà trở nên gần gũi với học sinh. Cùng với đó là nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở Trung tâm Kỹ năng sống để giúp cho học sinh thêm tự tin, biết làm chủ bản thân, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực. Một loạt các cuộc thi chuyên môn về tiếng Anh, mỹ thuật, công nghệ, hùng biện... thường xuyên được tổ chức, là sân chơi trí tuệ, vui vẻ cho học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống, góp phần phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.
Bên cạnh đó, theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, tuyên truyền những tấm gương học sinh tiêu biểu, những việc làm tử tế. Nhiều dự án vì cộng đồng đã được triển khai, cuốn hút sự tham gia của đông đảo học sinh. “Để có kinh phí thực hiện các chương trình, học sinh đã thiết kế các hoạt động có kế hoạch, có tổ chức với phương châm huy động tối đa giáo viên, học sinh tham gia. Cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ học sinh bán hàng, cùng cố vấn cho con về cách thức triển khai dự án và cùng hạnh phúc khi thấy con sáng tạo, có trách nhiệm, biết cách phối hợp với bạn…
Hiện nay, ngày càng có nhiều trường nỗ lực đổi mới, đa dạng cách làm, khiến cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thiết thực hơn. Nhưng cũng nhiều nơi, vấn đề này chưa được triển khai hiệu quả.
Theo em Chu Thành Đạt, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, các phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay chưa thực sự phù hợp với phần lớn đối tượng học sinh, sinh viên. Thay vì dành 2-3 tiếng đồng hồ nghiên cứu nội dung các giáo trình hữu ích hay các tập powerpoint slide kiến thức môn học, các bạn sinh viên có xu hướng bị thu hút bởi những tấm poster, infographic sinh động, nhiều màu sắc, tóm tắt nội dung, kiến thức quan trọng bằng một số từ khóa cần lưu ý. Những nội dung giáo dục về chính sách và pháp luật của Nhà nước cần được phổ biến dưới nhiều hình thức sinh động, trực quan hơn, bao gồm nhiệm vụ học tập, sinh hoạt của tổ chức Đoàn thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Học đi đôi với hành
Sự phát triển của internet, việc đăng tải và chia sẻ thông tin hầu như không gặp phải trở ngại. Cùng với tâm lý thích nổi tiếng, thích được chú ý khiến cho một bộ phận không nhỏ người dùng internet, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, chưa đủ chín chắn, tìm mọi cách để đăng tải những thông tin gây sốc, những tít “giật gân”, câu view. Do đó, học sinh, sinh viên cần được trang bị một cách đầy đủ kiến thức về quy định của pháp luật trong việc sử dụng, hệ lụy từ việc sử dụng không gian mạng để điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với bạn bè, gia đình và xã hội một cách phù hợp.
Mặt khác, những nội dung, thông điệp được truyền tải qua các kênh thông tin đa dạng cần mang góc nhìn “rất trẻ, rất thanh niên”, giúp cho những nội dung tuyên truyền đôi khi vốn khô khan, khó tiếp thu trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng trong đời sống hàng ngày - điều mà các bài thi trắc nghiệm, viết bài luận tìm hiểu về chủ trương, chính sách không thể sánh bằng. Muốn thế, cán bộ Đoàn Thanh niên cần thường xuyên cập nhật các xu thế mới trên internet, biết tận dụng mạng xã hội và biến nó trở thành một công cụ hữu hiệu để tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào hoạt động thanh niên, như tăng cường các hình thức kết nối, tương tác thân thiện trên các nền tảng công nghệ nói trên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu là tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, các môn lý luận chính trị và hiệu quả sẽ nâng cao khi học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn… Hơn ai hết, việc triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng cho học sinh phải được làm tốt trong chính nhà trường.