Tính liên kết, khả năng cung ứng hàng hóa với số lượng lớn cho đối tác hầu như chưa thực hiện được.
Ghi nhanh tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp…, nơi có hàng ngàn bà con xã viên gắn bó với nghề đan lát sản phẩm từ lục bình, cho thấy thu nhập của bà con đang dần cải thiện. Thu nhập bình quân dao động 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, cũng có người khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bà con cũng đã học cách trồng lục bình để cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định. Đối với nghề này, người học chỉ cần chịu khó, chăm chỉ là có thể tạo ra sản phẩm (thảm, nón, rổ, giỏ xách…). Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều chị em vẫn chỉ xem đây là công việc thời vụ, làm lúc nông nhàn. Chính vì thế, các đơn hàng cung cấp từ những hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh nhìn chung khá manh mún, chất lượng chưa cao…
Cách nay ít ngày, một số trang mạng tung lên các mẫu túi xách tay thời trang với nguyên liệu chính làm từ lục bình, cói… có giá từ vài trăm ngàn đồng lên tới vài triệu đồng. Không ít lời tán thưởng khi đưa ra nhận định rằng, thời trang có xu hướng “quay vòng” và hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thừa nhận. Nhưng ngược lại cũng có ý kiến cho rằng giá… mắc quá. Mà thực sự đúng như vậy, nếu so sánh giữa giá bán tại xưởng với giá bán tại các cửa hàng, shop thời trang, khi chênh nhau từ 2 - 3 lần, đôi khi bị “đội” giá tới hàng chục lần. Ở đây, khoan bàn tới chuyện mắc rẻ, mà vấn đề chính cần bàn đó là sự bắt tay liên kết giữa các hợp tác xã với chính những doanh nghiệp có nhu cầu phân phối các mặt hàng này. Trao đổi về câu chuyện đặt hàng cho bà con xã viên, lãnh đạo một doanh nghiệp (xin được giấu tên) chia sẻ rằng, đơn vị này từng đặt hàng sản xuất khoảng vài chục ngàn sản phẩm trong thời gian ngắn, nhưng hầu như không hợp tác xã nào dám nhận. Lý do, họ không huy động được đủ người để làm tập trung, đồng loạt.
Không chỉ liên kết yếu, khâu sản xuất sản phẩm cũng còn nhiều điều đáng bàn. Bằng chứng, một số mặt hàng lưu niệm là đồ thủ công mỹ nghệ của chúng ta còn thiếu hẳn sự tinh tế, liên quan tới những tiểu tiết của sản phẩm, mà điều này người tiêu dùng nào cũng rất quan tâm. Ví dụ, chiếc túi xách bằng lục bình rất đẹp, nhưng khóa kéo (nằm ẩn bên trong) lại là loại rẻ tiền, dễ han gỉ đã vô tình làm giảm giá trị sản phẩm. Trong khi, nếu so sánh với mặt hàng cùng loại được bán ở các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore…, sản phẩm được trau chuốt kỹ hơn, đương nhiên giá bán cũng cao hơn hẳn. “Những chi tiết này cực kỳ đơn giản, dễ làm. Chỉ cần lưu ý, rút kinh nghiệm, chắc chắn sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ được ưu ái hơn ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu”, anh Ngô Văn Giang, chủ một doanh nghiệp chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ ở quận 3, TPHCM, đánh giá.
Tại một cuộc họp bàn về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản diễn ra gần đây, các chuyên gia phía bạn gợi ý, nước ta nên có những sản phẩm đa dạng, sáng tạo hơn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn, đối với người Nhật Bản, họ thích các sản phẩm nhỏ gọn, phù hợp với không gian sống. Thêm nữa, nhà sản xuất cũng lưu ý đến những sản phẩm gắn với đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán, độ tuổi, mức thu nhập của người tiêu dùng Nhật Bản. Như vậy, mặc dù Việt Nam luôn được đánh giá cao về lợi thế phát triển mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng thực chất bà con xã viên, các hợp tác xã vẫn loay hoay với cách làm cũ, tư duy cũ. Vậy ai sẽ làm nhạc trưởng để hỗ trợ người dân tìm lối ra trong thời gian tới? Câu hỏi này có lẽ sẽ tiếp tục phải chờ, khi mà nhiều phương pháp “gỡ rối” liên tục được đưa ra nhưng chưa có sự cải thiện rõ rệt, tích cực.