Liên kết để xuất khẩu
Theo Bộ NN-PTNT, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Sản phẩm OCOP càng gia tăng giá trị khi gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Nhờ vậy, nhiều mô hình từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhất là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Nhiều địa phương như Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bến Tre… đã chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, các cơ sở sản xuất OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân để thu mua nguyên liệu, như chè có 4.914ha với 6.033 hộ tham gia; su su Sa Pa 120 ha với 250 hộ; miến đao Bản Xèo 67ha với 250 hộ; bưởi Múc 40ha với 130 hộ; gạo Séng Cù 320ha với 360 hộ… Để phát triển sản phẩm OCOP, Lào Cai tập trung phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 69 DN, HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô gần 10.600 ha, liên kết với gần 21.500 hộ nông dân. Nhờ vậy, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2020, doanh thu các sản phẩm OCOP tăng 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Ở HTX Tài Hoan, dù sản phẩm có truyền thống từ năm 1965, nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đến năm 2018, HTX tham gia Chương trình OCOP, giúp sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều nơi. Nguồn nguyên liệu dong riềng được 360 hộ dân tộc thiểu số trồng trên diện tích 40ha với sản lượng khoảng 2.400 tấn củ. Thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu, từng bước đã hình thành chuỗi giá trị từ khâu quy hoạch, đến thực hành sản xuất, gắn với công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2020, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc với số lượng ban đầu khoảng 5,3 tấn, trị giá gần 15.000 USD. Thừa thắng xông lên, HTX mạnh dạn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng làm khu nhà xưởng mới với hệ thống dây chuyền tráng miến hiện đại với công suất 2 tấn miến/ngày, bao tiêu nguyên liệu cho khoảng 500 hộ dân với diện tích 70ha, sản lượng 4.200-4.500 tấn củ/năm.
Sau gần 12 năm, HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hà Giang) được xây dựng và phát triển gắn kết với người dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì. Từ khi tham gia chương trình OCOP, đa số người dân đã nhận thức cao đối với tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của quê nhà; qua đó phát huy giá trị và gìn giữ cây chè Shan tuyết cổ thụ Việt Nam... Trong 3 năm qua, siêu thị MM Mega Market đã xuất khẩu hơn 3.000 tấn nông sản Việt Nam, nhiều sản phẩm OCOP xuất sang Thái Lan, Singapore, Hồng Công, Đài Loan.
Năm 2025, phấn đấu 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao
Theo Bộ NN-PTNT, chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP, có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: chè Shan tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang… Đáng chú ý, nhờ tham gia OCOP, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số DN, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối và đang được tiêu thụ ổn định. Nhiều sản phẩm OCOP được nâng cao chất lượng, đã củng cố thị trường xuất khẩu như miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang… Chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn và phát huy khoảng 5.400 làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, Bộ Công thương phối hợp với nhiều địa phương tổ chức các khóa phổ biến kiến thức, đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường phục vụ marketing, thiết kế bao bì, thiết kế gian hàng và trưng bày sản phẩm tại hội chợ... Để các sản phẩm phát triển, hoàn thiện, Bộ KH-CN đã hướng dẫn ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đề xuất của địa phương đã lồng ghép với các chương trình khoa học công nghệ phù hợp như hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản địa phương qua hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhẫn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh. Đến nay, Bộ KH-CN đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các nghành nghề nông nghiệp nông thôn; trong đó, có 337 nhãn hiệu tập thể; 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã giúp sản phẩm địa phương phát triển. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương còn sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Để thành công và phát triển bền vững, Chương trình OCOP cần tập trung tuyên truyền để người dân, các DN thấy được giá trị sản phẩm địa phương; sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan, ban ngành; xác định xúc tiến thương mại là then chốt; ứng dụng thương mại điện tử...
Đến năm 2025, Bộ NN-PTNT phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Phấn đấu có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các DN nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. |