Hiện nay, với 3 nhóm sản phẩm chính gồm: nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su, toàn ngành đã đóng góp khoảng 4,5 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu của cả nước, đạt khoảng 2,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh cao su thiên nhiên hiện vẫn tồn tại nghịch lý là xuất khẩu nhiều với giá trị thấp, nhưng lại nhập khẩu để chế biến sâu.
Thiếu nguyên liệu chế biến sâu
Để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhà công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn phải nhập khẩu cao su từ các nước Malaysia, Thái Lan... với ưu điểm là luôn đảm bảo nguồn cung và chất lượng ổn định. Lý giải nguyên nhân này, đại diện một số doanh nghiệp cao su, cho biết do cơ cấu, chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất trong nước nên chủ yếu để xuất khẩu. Đơn cử, ở lĩnh vực sản xuất lốp (vỏ) xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, RSS3... nhưng trong cơ cấu ngành cao su thiên nhiên Việt Nam thì những chủng loại này rất thấp. Ngược lại, chủng loại cao su SVL 3L trong cơ cấu ngành cao su thiên nhiên Việt Nam chiếm đến gần 50% thì nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước không có.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hàng năm Việt Nam sản xuất ra cả triệu tấn mủ cao su nhưng lượng hàng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến cao su phổ biến chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như chế biến thành săm lốp, linh kiện kỹ thuật, găng tay, sợi thun...
Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được loại cao su tổng hợp nào, mà toàn bộ phải nhập khẩu. Còn đối với sản phẩm cao su kỹ thuật cao, đòi hỏi đầu tư công nghệ hiện đại nên ít doanh nghiệp đủ tiềm lực để sản xuất. Ngoài việc ngành công nghiệp chế biến cao su Việt Nam tăng trưởng chậm, điều đáng lo ngại hơn là phần lớn chỉ số tăng trưởng lại rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn.
Dẫn chứng cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của một trong những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến cao su tại Việt Nam là lốp xe, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu lốp xe, trong đó có 2 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm tỷ lệ 50% kim ngạch xuất khẩu lốp xe là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu mở rộng ra và xét tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe dẫn đầu, thì chỉ có 2 doanh nghiệp nội địa là Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina), Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu nhiều loại lốp xe mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Xuất khẩu cao su nguyên liệu mang lại giá trị không cao. Ảnh: THÀNH TRÍ
Phải “phá vỡ” nghịch lý
Song song với xuất khẩu cao su thiên nhiên, xuất khẩu sản phẩm cao su tiếp tục tăng trưởng trong những năm gần đây, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành cao su Việt Nam. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 của các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến cao su như lốp xe, găng tay, linh kiện cao su kỹ thuật, băng tải, đế giày, nệm gối, chỉ thun... đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển đã giúp doanh nghiệp và người trồng tăng thêm thu nhập, có nguồn tài chính để tái canh và duy trì diện tích trồng cao su.
Do đó, để phá vỡ nghịch lý trong cán cân xuất nhập khẩu; đặc biệt là tạo nguồn nguyên phụ liệu dồi dào phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến cao su tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, ngành cao su Việt Nam phải cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu mới vượt qua các khó khăn của giá cả thị trường và vươn lên phát triển bền vững. Trong đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh triển khai quy hoạch diện tích trồng cây cao su, định hướng phát triển những chủng loại cao su đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước.
Cụ thể, đánh giá về sự phát triển của ngành cao su Việt Nam, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, đại diện Casumina cho hay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì nền kinh tế trong nước và doanh nghiệp nội địa chịu ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn của những biến động từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, so với các ngành khác, ngành cao su Việt Nam xuất khẩu từ 80% - 90% nên chịu tác động nhanh và nặng nề hơn những ngành khác.
Cũng theo đại diện của Casumina, trong sự khó khăn chung của ngành cao su Việt Nam, Casumina cũng gặp phải nhiều thách thức về cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Do đó, để giảm chi phí đầu vào và tăng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp đang chủ động tìm hướng đi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đa dạng sản phẩm thị trường.
Ông Đỗ Minh Tuấn, đại diện Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, cho biết trong năm 2017 và những năm tiếp theo, đơn vị này đã lên kế hoạch cho các nhà máy tập trung sản xuất đa dạng chủng loại cao su, hướng đến phù hợp với nhu cầu thị trường, với mục tiêu đạt khoảng 27.600 tấn sản phẩm. Còn ở lĩnh vực chế biến sâu, công ty sẽ nâng sản lượng lên khoảng 3.000 tấn sản phẩm trong năm 2017.
Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu mủ cao su và dẫn đầu về năng suất vườn cây; vì vậy, ngành cao su Việt Nam muốn phát triển bền vững phải có chiến lược giảm tỷ lệ xuất khẩu thô, tăng cường phục vụ thị trường nội địa và giảm nhập khẩu nguyên liệu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cao su. Từ đó, từng bước cơ cấu lại ngành cao su theo hướng chế biến sâu thông qua việc chuyển đổi chủng loại cao su thiên nhiên, phương thức sản xuất, tăng cường chế biến sâu.