Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là hệ thống logistics chưa phát triển đồng bộ, nên chưa tạo điều kiện tốt nhất cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa được thông suốt.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ được phân bố theo các vùng, như đồng bằng sông Hồng có 1.895 chợ, chiếm 22,19%; vùng Đông Bắc có 1.146 chợ, chiếm 13,42%; vùng Tây Bắc 270 chợ, chiếm 3,16%; vùng Bắc Trung bộ 1.358 chợ, chiếm 15,9%; vùng duyên hải Nam Trung bộ có 805 chợ, chiếm 9,42%; vùng Tây Nguyên có 380 chợ, chiếm 4,45%; vùng Đông Nam bộ có 995 chợ, chiếm 11,65%; vùng đồng bằng sông Cửu Long có 1.690 chợ, chiếm 19,79%. Trong số đó, chợ hạng III chiếm tới 87%, cơ sở vật chất cần được nâng cấp và cải tạo.
Đặc biệt, chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hóa không nhiều (chỉ có 83 chợ đầu mối, chiếm gần 1% tổng số chợ). Con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế nên hệ thống chợ chưa tương xứng với vị trí và vai trò của mình, cũng chưa đáp được đầy đủ nhu cầu của sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
Đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cũng phát triển và phân bổ không đồng đều. Hiện cả nước có 189 trung tâm thương mại, siêu thị; song đa phần tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, trong khi tại nhiều tỉnh thành và khu vực nông thôn chưa có loại hình này. Theo thống kê, số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ lần lượt chiếm 49,23% và 52,76% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại của cả nước.
Ở loại hình trung tâm hội chợ triển lãm cũng chỉ có 15 trung tâm, được phân bố tại 11 tỉnh thành. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hội chợ triển lãm và hội nghị Việt Nam (VECA), hàng năm có trên 1.000 hội chợ, triển lãm thương mại quy mô lớn nhỏ khác nhau được tổ chức. Với hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm hiện nay, chỉ đáp ứng được trên 40% số hội chợ, triển lãm tổ chức hàng năm trên cả nước, số còn lại phải tổ chức ở nhiều địa điểm khác.
Tương tự, hệ thống trung tâm logistics cả nước cũng chỉ có 50 trung tâm, chủ yếu phân bố tập trung ở một số khu công nghiệp. Quy mô của các trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10ha), trung tâm quy mô cấp vùng chưa phát triển. Hiện có 2 trung tâm logistics cấp vùng đang được đầu tư xây dựng tại TP Bắc Giang và Khu kinh tế cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo nhận định của Bộ Công thương, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, trong khi hạ tầng thuơng mại kém phát triển, không đồng bộ, phân bổ không đồng đều… đang là trở lực trong quá trình lưu thông hàng hóa. Nói cách khác, hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là hệ quả của chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn hạn chế và thiếu sự đồng bộ. Ngân sách trung ương và địa phương đầu tư xây dựng còn khiêm tốn so với các lĩnh vực khác. Ngoài ra, chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi.
Ưu tiên đầu tư thương mại
Để đảm bảo việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, trong đó có sản phẩm của các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Bộ Công thương đã kiến nghị một loạt giải pháp nhằm tạo điều kiện phát triển hạ tầng thương mại, như rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại mang tính đồng bộ; phối hợp với các bộ ngành, địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như chợ đầu mối, trung tâm logistics. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản Việt Nam. Với xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản; tiếp tục đổi mới cơ chế gắn kết giữa các nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua việc tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Bộ Công thương cũng đề xuất, kiến nghị đối với các bộ ngành trung ương có kế hoạch phối hợp để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cho phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng, của địa phương. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, theo hướng bổ sung vào danh mục ưu đãi đầu tư tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đối với hình thức đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại địa bàn thành thị. Tiến hành nghiên cứu, bổ sung các loại hình bán lẻ khác có triển vọng phát triển (cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp…) vào danh mục này; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, theo hướng không quy định “cứng” các chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho công tác đầu tư phát triển chợ; lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ hệ thống chợ tại các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Về phía các địa phương, cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là tại các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cần ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm vào việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng chợ truyền thống.
Tiếp tục củng cố, nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình hạ tầng thương mại nông thôn theo lộ trình đã đặt ra.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đang có dấu hiệu khởi sắc với kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản tăng cao. Các mô hình sản xuất từ nông nghiệp công nghệ cao cũng đang phát triển khá rõ nét. Do vậy, cần xem nông nghiệp là một trong những vấn đề đột phá của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Chính phủ cần xây dựng chính sách tốt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Và chính doanh nghiệp này sẽ là các “con sếu đầu đàn” hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại. Để làm được việc này, rất cần có một quy hoạch tổng thể về phát triển mạng lưới phân phối hoàn chỉnh, tạo các không gian mua và bán, làm đòn bẩy cho hàng hóa lưu thông, giảm bớt các tầng nấc trung gian trong quá trình đưa nông sản đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là cách để sản phẩm nông nghiệp trong nước cạnh tranh tốt hơn về giá trong tiến trình tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường. |