Những sản phẩm nông sản như cà phê, ca cao, điều hay các loại trái cây... nếu chỉ để thô bán ra thị trường thì giá trị không cao, tuy nhiên nhờ chế biến sâu, giá trị của các sản phẩm này đã được gia tăng đáng kể.
Đơn cử là sản phẩm chế biến sâu của Công ty CP Phúc Sinh. Theo đó, doanh nghiệp này đã liên tục đầu tư vào các nhà máy quy mô phục vụ chế biến sâu, giúp giá trị sản phẩm tăng lên nhiều lần so với trước. Điển hình là trà túi lọc Cascara làm từ vỏ hạt cà phê và hiện bán với giá 1 triệu đồng/ kg. Đây vốn là chế phẩm bỏ đi sau khi xay xát lấy nhân nhưng nhờ chế biến sâu nên đã trở thành “đặc sản” và được xuất khẩu sang các quốc gia khó tính trên thế giới.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, việc đầu tư vào chế biến sâu không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm cho nông sản mà còn phù hợp với xu thế của thế giới. Do đó, năm 2023 công ty đã xây dựng hoàn thiện một nhà máy chế biến với các thiết bị nhập khẩu từ Pháp, chủ yếu phục vụ cho công tác chế biến sâu là khâu nghiền với hạt tiêu và nhiều loại gia vị khác.
Tương tự, Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (thương hiệu Meet More) đã đầu tư chế biến sâu bằng cách đưa các loại hương vị của xoài, khoai môn, trái nhàu… kết hợp với cà phê thành cà phê nông sản có giá trị cao. Cũng nhờ sự khác biệt này mà doanh nghiệp khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường Sản phẩm chế biến sâu thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khó tính. “Ngay sau tết, chúng tôi đã khẩn trương làm việc lại để đưa hàng ngàn gói cà phê nông sản các loại như cà phê nhàu, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê muối… ra cảng Cát Lái thẳng tiến đến thị trường Australia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang khẩn trương xuất 1 container vào thị trường Mỹ trong tháng Giêng”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành và sáng lập của Meet More, chia sẻ. Cũng theo ông Luận, năm 2024, cà phê vẫn được đánh giá là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu và có giá trị cao. Những sản phẩm cà phê chế biến sâu như Meet More hiện đã được thị trường thế giới chấp nhận. Thông qua chế biến sâu, thị trường sẽ biết đến cà phê Việt Nam nhiều hơn, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên thị trường cà phê thế giới.
Không chỉ nông sản, việc hướng đến chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và ngành hàng cũng được nhìn nhận rõ ở lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, điển hình như mặt hàng tôm. Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40%-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đang ở mức cao trên thế giới. Đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển và nhu cầu từ các thị trường ngày càng gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong tương lai gần.
Chính vì vậy, trên chặng đường vượt khó trong năm 2024, ngành tôm Việt cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng. Ngoài ra, ngành chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, của thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.
Riêng đối với ngành hàng trái cây, rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, để đạt trình độ trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả ở khu vực Đông Nam Á và của thế giới, Việt Nam cần cải tiến nhiều vấn đề; trong đó có khâu chế biến sâu. Bởi lẽ năng lực chế biến rau quả hiện nay của Việt Nam mới chỉ đạt 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác có thế mạnh về xuất khẩu rau quả, tỷ lệ chế biến sâu chiếm đến 50%.
Thêm vào đó, theo ông Nguyên, số lượng đơn vị tham gia chế biến tại Việt Nam có thể lên đến hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. Số lượng doanh nghiệp có đầu tư lớn cho khâu chế biến rau quả một cách bài bản, hiện chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp và ở mức trung bình khá trên thế giới. Vì vậy, nếu muốn tiến xa hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao hơn, việc tập trung đầu tư và có cơ chế ưu tiên, khích lệ lĩnh vực chế biến sâu là cần thiết.