Bộ GD-ĐT ngưng tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm, hệ cao đẳng chỉ còn ngành Giáo dục mầm non, đồng thời cho phép các trường đào tạo sư phạm mở rộng diện xét tuyển thẳng (ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 của Quy chế Tuyển sinh năm 2020). Bộ GD-ĐT cũng đề xuất hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên hoàn thành chương trình học.
Trường cao đẳng sư phạm gặp khó
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 113 cơ sở đào tạo ngành sư phạm; cùng 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non. Trung bình, mỗi tỉnh thành hiện có 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên, dẫn đến tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, gia tăng số lượng giáo viên không đảm bảo chất lượng, cũng như vượt xa nhu cầu sử dụng...
Chất lượng giảng viên các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) cũng rất đáng lo. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình 4,82%. Một số trường không có tiến sĩ như CĐSP Vĩnh Long, hay tỷ lệ rất thấp như CĐSP Lạng Sơn (1,3%). Ở các trường đại học sư phạm (ĐHSP), tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (tính cả ngành ngoài sư phạm) cũng không cao, như ĐH Vinh chỉ trên 29%, ĐHSP TPHCM và ĐH Cần Thơ mới hơn 32%.
Những năm gần đây, một số trường CĐSP không thu hút được thí sinh như mong muốn. Năm học 2018-2019, ở Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên có 16 giáo viên, nhưng chỉ đào tạo… 30 sinh viên; với Khoa Xã hội, lớp Văn - Giáo dục công dân K39 chỉ có 5 sinh viên theo học, lớp Văn - Giáo dục công dân K40 có 2 sinh viên, lớp Âm nhạc chỉ 1 sinh viên. Năm 2019, hàng loạt ngành của Trường CĐSP Nam Định không tuyển được thí sinh, hoặc nhiều lắm cũng chỉ được 5 sinh viên. Trường CĐSP Gia Lai phải “đóng cửa” 3 ngành là Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh, do số lượng thí sinh đăng ký quá ít.
Các ngành sư phạm ở nhiều địa phương cũng “đìu hiu”, như Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Đồng Nai... Do vậy, theo các trường CĐSP, năm 2020 triển khai quy định chỉ còn tuyển ngành Giáo dục mầm non, chắc chắn các trường sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cần chính sách căn cơ
Theo Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên, đồng thời trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ nâng lên so với quy định trước đây. Cụ thể, giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Trong năm 2020, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đào tạo ngành sư phạm mở rộng đối tượng thuộc diện tuyển thẳng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên. Theo các chuyên gia giáo dục, cùng với việc quy định điểm sàn của ngành sư phạm (từ năm 2018 đến nay), những điều chỉnh mới vừa được Bộ GD-ĐT ban hành là nỗ lực không chỉ thu hút thí sinh mà còn chú trọng chất lượng đầu vào, trong đó có chính sách khuyến khích thí sinh giỏi theo học ngành sư phạm.
Cũng theo các chuyên gia, những giải pháp nói trên mới mang tính ngắn hạn và nhất thời. Về lâu dài cần có chính sách tổng thể, không chỉ quan tâm đầu vào mà còn giải quyết đầu ra, chính sách lương bổng cho giáo viên. Mặt khác, việc cấp bù kinh phí đào tạo đang có nhiều bất cập, khiến các trường phải bù lỗ, nên Bộ GD-ĐT xem xét cấp bù đủ, tạo điều kiện để các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo TS Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM, việc mở rộng diện xét tuyển thẳng sẽ tạo điều kiện để các trường sư phạm thu hút thêm được những học sinh giỏi, có năng lực phù hợp. Hơn nữa, việc không đào tạo hệ trung cấp, hạn chế đào tạo hệ cao đẳng cũng có nghĩa là giảm số lượng, tăng chất lượng, từ đó tăng cơ hội có việc làm cho sinh viên ngành sư phạm sau này.
Tuy chính sách tiền lương cho giáo viên đã có thay đổi nhưng về lâu dài vẫn cần được quan tâm và cải tiến hơn nữa để thu hút sinh viên giỏi. “Những ưu đãi về học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm nên gắn liền với việc sắp xếp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, mức lương hợp lý, điều kiện làm việc tốt để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề”, TS Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Theo dự thảo đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm”, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TPHCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM và một số trường ĐHSP khác. Đồng thời, xây dựng mạng lưới “vệ tinh” là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương. Giai đoạn 2026-2030, hình thành thêm một trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại khu vực miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường ĐHSP trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận. |