Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Phối hợp “3 nhà” để cung gặp cầu

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư của TPHCM. Vậy những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực?
Giờ học tự động hóa của thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM
Giờ học tự động hóa của thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM

Thiếu hụt trầm trọng

Theo Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) Nguyễn Anh Thi, SHTP là nơi có năng suất lao động (LĐ) cao gấp 6,6 lần so với năng suất bình quân của thành phố và 16,6 lần so với mức bình quân cả nước. Tổng số LĐ tham gia trong các dự án của SHTP tính đến hết năm 2022 là gần 52.000 LĐ, trong đó có trên 51.000 LĐ trong nước và gần 600 LĐ nước ngoài. Dù vậy, SHTP vẫn thường xuyên phải chịu áp lực lớn do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung, lên tới hàng trăm LĐ mỗi năm.

Thực tế được đại diện Công ty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam (đóng tại SHTP) cho biết, đơn vị này năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nhân lực ở các vị trí gia công cơ khí, kỹ sư thiết kế máy tự động hóa, kỹ sư thiết kế điện… Công ty nhận được nhiều hồ sơ của ứng viên, tuy nhiên phần lớn là sinh viên mới ra trường, chỉ đáp ứng 50-60% yêu cầu công việc; nếu tuyển vào phải tổ chức đào tạo lại từ 4-6 tháng.

Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam, cho rằng, để rút ngắn khoảng cách việc đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và đáp ứng yêu cầu làm việc của nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp để họ nhận sinh viên vào thực tập.

Không chỉ khó khăn do thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao, các chuyên gia cũng chỉ rõ nguồn nhân lực qua đào tạo của Việt Nam hiện nằm trong tốp cuối của khu vực Đông Nam Á. Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn nhìn nhận, lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước trên 52 triệu người (TPHCM có khoảng 5 triệu LĐ), tuy nhiên, tỷ lệ LĐ qua đào tạo chỉ chiếm 26,4%. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng.

Đổi mới đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, nghịch lý đối với thị trường LĐ cả nước nói chung và TPHCM nói riêng trong thời gian qua là tình trạng có nơi thì thiếu việc, thừa người khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lượng lớn nhân sự; có ngành nghề doanh nghiệp thiếu LĐ, song tuyển dụng mãi không đủ chỉ tiêu. Để cung - cầu LĐ tiệm cận nhau, việc đào tạo nguồn LĐ chất lượng tốt, dự báo thị trường LĐ cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, khuyến nghị các trường đại học, khối giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải phối hợp chặt chẽ giữa “3 nhà”: nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường để cung - cầu gặp nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn, nhất là phát triển kinh tế số hiện nay. Đặc biệt, TPHCM nên từng bước chuyển từ lợi thế nhân công sang lợi thế nhân lực trình độ cao, ưu tiên thu hút nguồn vốn con người, chuyển từ nền kinh tế dựa vào đầu tư sang nền kinh tế dựa vào nhân tài, nguồn LĐ chất lượng cao.

Hiện với bậc GDNN, TPHCM có 368 cơ sở, trong đó 79 đơn vị công lập và 289 đơn vị tư thục. Các cơ sở đào tạo khoảng 300.000 người học các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 451/KH-UBND về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng GDNN trên địa bàn thành phố năm 2023.

Theo đó, việc đào tạo của bậc học này phải được gắn kết chặt chẽ với đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm: cơ khí - tự động hóa; công nghệ thông tin - truyền thông; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị và mô hình đại học chia sẻ. Đồng thời tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học. TPHCM cũng lựa chọn, đầu tư phát triển một số cơ sở GDNN công lập thành trường chất lượng cao; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố làm cơ sở để tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích, ưu đãi trong thực hiện chính sách xã hội hóa GDNN. Qua đó, phấn đấu nâng tỷ lệ LĐ đang làm việc qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số LĐ đang làm việc và đến năm 2030 đạt 89,64%.

Ông TRẦN PHÚC HỒNG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA:

Người lao động cần năng động và sáng tạo hơn

Làn sóng công nghệ AI, IoT, tự động hóa... vừa là cơ hội vừa là thách thức với người lao động. Đó là cơ hội để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, làm việc từ xa, có nhiều loại công việc mới. Các công nghệ mới, giải pháp mới cũng cần nhiều LĐ để xây dựng và vận hành nên tổng số lượng công việc không mất đi nhưng sẽ chuyển dịch từ nhóm LĐ này qua nhóm LĐ khác. Để thích ứng, người lao động cần thay đổi không chỉ về kỹ năng, ngoại ngữ mà còn về suy nghĩ, cách làm việc, cần nhiều kiến thức và kỹ năng số, năng động, sáng tạo hơn để tăng hiệu quả, giá trị cao hơn.

Cơ hội lớn cho Việt Nam khi hiện có dân số trẻ và năng động, dễ dàng thích ứng với môi trường và công nghệ mới. Việt Nam cũng đang tiệm cận các nước trong khu vực châu Á khi số lượng kỹ sư và công nhân bậc cao, người làm dịch vụ đang tăng lên. Sự chuyển dịch này giúp chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị và thu nhập của người lao động cũng dần cải thiện.


ThS VÕ LONG TRIỀU, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TPHCM):

Đào tạo gắn với 4 nhóm ngành trọng điểm

Để tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực và quốc tế, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) bám sát 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố để xây dựng chiến lược đào tạo các ngành, nghề trọng điểm gồm: Công nghệ thông tin; điện công nghiệp (cấp độ quốc tế); Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (cấp độ khu vực ASEAN) và Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Kế toán (cấp độ quốc gia). TDC cũng mạnh dạn tiên phong trong việc tham gia thực hiện các dự án quốc tế như triển khai đào tạo thí điểm ngành điện công nghiệp (chuyển giao từ CHLB Đức), tham gia dự án Aus4Skills (chương trình Australia cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực) cho ngành logistics… Chương trình đào tạo tại TDC được xây dựng theo mô hình “đào tạo kép”, tức 30% thời lượng lý thuyết học tại trường và 70% thời lượng thực hành tại doanh nghiệp.

Nhờ tiếp cận với môi trường làm việc thực tế từ 500 doanh nghiệp liên kết nên hàng năm có gần 20% học sinh, sinh viên có việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rõ nhất ở nhóm ngành công nghệ kỹ thuật và dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục