Thông tin tại đây cho thấy, hiện cả nước có 59/63 tỉnh, thành có khu công nghiệp. Trong 10 năm qua, chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển GDMN ở địa bàn có các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Điều đó góp phần giải quyết khó khăn đối với GDMN ở khu vực này, giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động sản xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Hoàng Thị Dinh cho biết, tại 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp có 13.137 cơ sở GDMN. Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn trong phát triển GDMN cho địa bàn đô thị, khu công nghiệp như: công tác quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ; cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển GDMN chưa đủ mạnh…
Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng của GDMN ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp và yêu cầu cấp thiết cần đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng GDMN ở những khu vực này, cùng với đó là yêu cầu tính toán kỹ điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong triển khai. GS-TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị cần có dự báo tổng thể về tình hình lao động, số lượng trẻ, nhu cầu cơ sở vật chất, giáo viên mầm non của từng địa bàn, số lượng di cư, số lượng con em công nhân cần gửi ngoài giờ… để có những giải pháp thiết thực.
GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tính toán cụ thể đến dân số, chất lượng dân số để có chính sách phù hợp, đa dạng hóa hình thức tổ chức các loại hình giáo dục. Trong đó, cũng cần quan tâm đến nhóm bảo mẫu gia đình, đội ngũ này sẽ giảm áp lực cho các cơ sở công lập nhưng cần được đào tạo, bồi dưỡng thì mới được hoạt động.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Tiểu ban GDMN cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng GDMN tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045”. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có những khảo sát, đánh giá đúng và sâu sát hơn nữa trong bối cảnh các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị thay đổi từng ngày, làm sao để những người có thu nhập thấp được tiếp cận với những chính sách, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thiết thực của người lao động.